In bài viết

Bài 9: Thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park cho rằng Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc ngăn chặn thành công các đợt bùng phát dịch COVID-19 bằng cách tiếp cận toàn xã hội.

05/11/2021 15:00
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19?

TS. Kidong Park: Chính phủ Việt Nam đã ứng phó với sự bùng phát dịch COVID-19 một cách kịp thời, mạnh mẽ và dứt khoát bằng cách tiếp cận toàn xã hội, với một hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp sức khỏe cộng đồng mạnh mẽ, nhân viên chăm sóc sức khỏe tận tâm và có tay nghề cao ở cả phía dự phòng và quản lý lâm sàng và người dân Việt Nam đã hợp tác thực hiện biện pháp phòng chống tích cực. 

WHO đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc ngăn chặn thành công các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước cam kết bền bỉ từ các địa phương thông qua công tác xuất sắc của các nhóm COVID-19 cộng đồng và người dân Việt Nam, vì đã chung tay chống lại virus bằng biện pháp bảo vệ cá nhân thông qua thực hành nhất quán thông điệp 5K và tiêm phòng vaccine khi đến lượt.

Vậy WHO đã hỗ trợ những gì cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam?

TS. Kidong Park: WHO là đối tác lâu dài của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao sức khỏe, giữ cho thế giới an toàn và phục vụ những người dễ bị tổn thương. WHO đã và đang hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tăng cường khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp về y tế và đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). 

WHO đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 trong việc hỗ trợ kỹ thuật, vận hành và hậu cần cho công tác ứng phó. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy và tiếp tục cung cấp bằng chứng khoa học cập nhật nhất để hỗ trợ Chính phủ trong quá trình ra quyết định ứng phó. 

Hỗ trợ của WHO tập trung vào việc tăng cường năng lực trên các lĩnh vực kỹ thuật bao gồm giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và ứng phó với ổ dịch, truyền thông, phòng thí nghiệm (bao gồm cả việc cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm và vật tư). WHO tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế xem xét và cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật dựa trên các bằng chứng mới nhất, chẳng hạn như chẩn đoán và điều trị COVID-19, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và chăm sóc ICU đối với bệnh nhân COVID-19 và các hỗ trợ khác. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ triển khai các thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt cho các tỉnh là điểm nóng của dịch.

Với tư cách là tổ chức đồng lãnh đạo Cơ chế COVAX, WHO, ở cấp độ toàn cầu, đưa ra khuyến nghị kỹ thuật về tiêm chủng thông qua triệu tập Nhóm Cố vấn Chiến lược của Chuyên gia về Tiêm chủng (SAGE); đánh giá hiệu quả, độ an toàn và chất lượng của các sản phẩm vaccine thông qua quy trình lập Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO và ủng hộ việc tiếp cận công bằng với vaccine dựa trên ưu tiên bằng cơ sở khoa học.

Ở cấp quốc gia tại Việt Nam, WHO đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng và cập nhật chiến lược tiêm chủng COVID-19, lập kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật quốc gia, củng cố hệ thống chuỗi lạnh, hỗ trợ chiến lược truyền thông về an toàn vaccine. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các khóa đào tạo chiến dịch, tiêm chủng an toàn, giám sát và báo cáo, thực hiện ở các vùng khó khăn, truyền thông nguy cơ, cũng như đánh giá chiến dịch tiêm chủng. 

Hơn nữa, WHO đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của hệ thống quản lý vaccine của quốc gia để bảo đảm chất lượng vaccine, cũng đang hướng dẫn nghiên cứu và phát triển vaccine trong nước.

Chính quyền địa phương dỡ phong tỏa một khu vực tại TP.HCM - Ảnh: HCDC

Việt Nam bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh  hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, WHO có khuyến nghị gì đối với Việt Nam?

TS. Kidong Park: WHO hoan nghênh Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”

Giờ đây, tất cả chúng ta đều hiểu rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất hoàn toàn. Chúng ta cần phải tìm cách hướng tới giai đoạn bình thường mới. Để đạt được điều này, chúng ta cần chuyển từ giai đoạn kiểm soát COVID-19 sang giai đoạn ‘sống chung với virus’. 

Khi tái khởi động các hoạt động xã hội và kinh tế, chúng ta phải luôn cảnh giác và phá vỡ chu kỳ tâm lý thỏa mãn, chủ quan với dịch bệnh, để rồi rơi vào trạng thái hoảng loạn khi chứng kiến các ca bệnh lây nhiễm gia tăng.

Nhân đây, tôi muốn nhắc lại khuyến cáo của WHO để giúp Việt Nam bảo đảm an toàn trong quá trình chuyển đổi đó là vaccine, thông điệp 5K, tăng cường năng lực hệ thống y tế, ứng dụng chiến lược công nghệ kỹ thuật số, và cách tiếp cận toàn xã hội.

Các biện pháp này sẽ bảo đảm rằng COVID-19 sẽ không tiếp tục gây nguy hiểm cho người dân. Những nỗ lực này sẽ là cần thiết trong việc thích nghi và ứng phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về sức khỏe cộng đồng trong tương lai, cũng như đưa đất nước tiến gần hơn đến mức độ bao phủ y tế toàn dân. 

Hiện nay, khi dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác đã cơ bản được kiểm soát nhưng các tỉnh khác như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đang ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới tại Việt Nam?

TS. Kidong Park: Mặc dù chúng tôi đã thấy xu hướng giảm số ca mắc mới và số ca tử vong mới trong những tuần qua ở nhiều khu vực, nhưng theo tôi, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi hiểm họa đại dịch một cách bền vững.  

Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân đại dịch vẫn chưa kết thúc. Khi vẫn còn xuất hiện các ca dương tính thì không địa phương nào là an toàn cho đến khi tất cả cả địa phương khác đều an toàn. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải tìm cách để chung sống sống an toàn với virus.

Chúng tôi hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi đất nước sang giai đoạn bình thường mới để chung sống an toàn với dịch COVID-19. Trong giai đoạn xây dựng Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chính phủ có thể xem xét các hành động ưu tiên để thích ứng bền vững và sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.

Đầu tiên, hãy ưu tiên các nhóm tiêm chủng, đặc biệt là nhân viên y tế, người lớn tuổi, những người có bệnh nền được tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Ưu tiên tiêm chủng nhiều hơn cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, với hệ thống y tế tương đối yếu và cơ sở y tế yếu kém.

Thứ hai, mọi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc,... thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp y tế công cộng làm giảm nguy cơ lây truyền ngay cả khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. 

Thứ ba, tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý tốt hơn bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời đưa ra mô hình lộ trình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện với các ca bệnh nhẹ và trung bình.

Cảm ơn ông!