In bài viết

Bãi rác Đa Phước có thể là nguyên nhân chính?

(Chinhphu.vn) – Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực Nam Sài Gòn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, qua khảo sát, kiểm tra, bước đầu, Sở TN&MT TPHCM nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính.

01/09/2016 08:32

Vừa qua, cư dân TPHCM liên tục phản ánh bị tra tấn bởi mùi hôi và người dân nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3 và bây giờ vẫn cao hơn 20%. Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của TPHCM, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về những đánh giá trên? - Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.

Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay ở TPHCM, có hiện tượng mùi hôi gây khó khăn cho dân cư ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Quận 7. Về vấn đề này, UBND TPHCM và đặc biệt là Sở TN&MT đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Bước đầu, Sở TN&MT nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn xanh, một đơn vị xử lý bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra những ô nhiễm không khí. Sở TN&MT đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Bộ TN&MT cũng biết ở đây, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành.

Đồng thời, quá trình xử lý rác còn liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Ở đây, phải thu được khí phân hủy từ rác, thu gom được toàn bộ nước rác. Những vấn đề này, hiện nay chúng tôi đang giao cho Sở TN&MT trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể.

Về giá xử lý, quy hoạch và công nghệ, hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều.

Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt. Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty này đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.

Còn về bài toán quy hoạch, TPHCM cũng đã nói, cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý. Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn.

Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế. Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất.

 Nhưng có lẽ, về lâu dài, cần phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của đất nước ta, cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải.

Tôi cho rằng việc đánh giá về giá thành UBND Thành phố đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp, tính toán giá thành. Tôi sẽ không bình luận giá hợp lý hay không. Phần này để TPHCM sẽ có thông tin đầy đủ.

Liên quan đến việc đầu tư dự án, phóng viên hỏi: “Được biết, Bộ KH&ĐT đã từng nhiều lần bác dự án bãi rác Đa Phước với lý do ngoài giá thành xử lý rác cao còn nghi ngờ về năng lực cạnh tranh yếu của công ty California Waste Solutions vì dù Công ty có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải nhưng chủ yếu là thu gom, xử lý rác thải rắn, tái chế chứ không phải xử lý rác thải của một thành phố lớn. Qua rất nhiều lần có ý kiến như thế, TPHCM và nhà đầu tư đã thuyết phục Bộ KH&ĐT và các cơ quan, ban, ngành như thế nào về năng lực của Công ty để chấp nhận dự án đó?”

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết:  Về việc này, tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời trực tiếp với phóng viên sau. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, từ khi có Luật Đầu tư 2005, 11 năm nay, Bộ KH&ĐT không can dự vào bất cứ dự án đầu tư nào của các địa phương. Các địa phương phải tự xem xét và quyết định cấp phép đầu tư sau khi đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật. Bộ KH&ĐT không can thiệp là dự án này nên, dự án kia không nên.