In bài viết

Bài toán chống úng ngập tại Hà Nội: Lời giải từ quy hoạch

(Chinhphu.vn) - Cuối tháng 5 vừa qua, Hà Nội một lần nữa đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ tại hầu hết các tuyến phố. Thực tế này đòi hỏi lời giải cụ thể cho bài toán quy hoạch nội đô nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng “cứ mưa lớn là ngập lụt”.

03/06/2022 08:07
Bài toán chống úng ngập tại Hà Nội: Lời giải từ quy hoạch - Ảnh 1.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội

Để hiểu rõ hơn việc quy hoạch đô thị có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề thoát nước ở Hà Nội, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Cứ mưa là ngập, nguyên nhân do đâu?

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái diễn ngập lụt trong những ngày vừa qua tại Hà Nội? Phải chăng quy hoạch là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới vấn đề thoát nước ở Thủ đô, thưa ông?

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Có thể thấy, tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong khoảng gần 10 năm nay luôn trở thành vấn đề "nóng" mỗi khi có mưa lớn. Những năm 90, trong quy hoạch chung, chúng ta có tính đến vấn đề thoát nước mặt và quy hoạch năm 2011 cũng vậy. Với vị thế đặc thù là đô thị lịch sử, cùng những công trình, khu di tích hàng nghìn năm và cả những khu xây mới, thì Hà Nội đã có riêng Quy hoạch thoát nước Hà Nội.

Quy hoạch thoát nước Hà Nội được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kết thúc vào năm 2010 và giai đoạn 2 được điều chỉnh dưới quy hoạch thoát nước (tức là lúc này Hà Nội mở rộng rồi và điều chỉnh lại, đến năm 2020 hoàn thành). Có thể nói, chúng ta đã có quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy hoạch. Tuy nhiên vẫn úng ngập, vậy thì nguyên nhân từ đâu?

Trước hết, chúng ta cần xem đến tình hình biến đổi khí hậu và các yếu tố tác động đến thoát nước.

So với trận mưa to nhất vào năm 2018 đạt mực nước mưa trên 200 mm, thì trong 2 ngày 29 đến 30/5, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, lượng mưa ở Cầu Giấy ghi nhận tới 180 mm. Trong khi đó quy hoạch thoát nước giai đoạn 2 tính ra lượng mưa tối đa trong 2 ngày là 310 mm, bình quân 2 giờ đạt khoảng 100 mm. Đầu vào của thoát nước, tức là lượng mưa quá lớn, vượt ngoài khả năng quy hoạch chống đỡ, việc ngập úng cục bộ là tất yếu. Đấy là lý do khách quan.

Để lý giải vấn đề úng ngập này, chúng ta phải xem xét các yếu tố nào tác động mạnh tới thoát nước hiện nay. Trước hết, chúng ta phân chia làm 4 lưu vực thoát nước ở Hà Nội. Chẳng hạn như lưu vực thoát nước sông Nhuệ lấy sông Đáy làm chính; lưu vực thoát nước phía Bắc Hà Nội; lưu vực thoát nước phía Tây và phía Nam… cho thấy chúng ta đã chia các khu vực thoát nước này hợp lý, trong đó các dòng sông là các đầu mối để thoát nước ra khỏi Hà Nội.

Thứ hai, chúng ta xét đến hệ thống cống. Hệ thống cống ngầm Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc. Hiện nay trong nội thành chúng ta thấy có cả cống ngầm, cống hở. Tính riêng trong nội đô này, nếu trước kia thời Pháp chỉ có 74 km cống ngầm, thì nay đã có gần 140 km. Rõ ràng, hệ thống này đã phát triển, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như việc thu gom nước mặt và nước thải lẫn lộn dễ xảy ra ách tắc, việc duy tu bảo dưỡng…

Yếu tố thứ ba cần nhắc đến là diện tích hồ điều tiết mặt nước. Hiện nay, chúng ta đã có một diện tích hồ trong nội thành với hơn 120 hồ nước, ngoại thành có khoảng 80 hồ nước. Tổng diện tích hơn 6.000 ha mặt nước trong địa bàn Hà Nội hiện nay, chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo tính toán khoa học và kinh nghiệm nước ngoài, để điều hòa nguồn nước mặt chảy, các đô thị cần có 5-6% diện tích tự nhiên là diện tích mặt nước. Như vậy chúng ta thiếu phần diện tích này để bảo đảm điều hòa.

Mặt khác, có khoảng 20 hồ nước trong thời gian qua đã bị san lấp và nhiều hồ nước bị thu nhỏ diện tích. Chính việc thiếu diện tích để điều hòa mặt nước và lấp đi một số hồ tự nhiên đã gây khó khăn cho việc thoát nước làm úng ngập.

Một yếu tố nữa là các kênh thoát nước trong các khu dân cư. Hà Nội có rất nhiều con sông như sông Lừ, Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhuệ… Thời gian qua, các hệ thống sông này đã được chú trọng làm sạch, nhưng lại chưa chú trọng bảo đảm dòng chảy. Trong khi đó, các sông này không chỉ thoát nước mặt, mà còn kết hợp làm thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Điều này cần có cơ chế, chính sách hợp lý.

Thêm nữa là chúng ta cần có điều tiết ở cuối mỗi lưu vực thoát nước bằng các hồ lớn khi chúng ta có sông rồi nhưng chưa có nhiều hồ lớn.

Cuối cùng, yếu tố tác động đến úng ngập là các trạm bơi cuối nguồn. Theo quy hoạch thoát nước và thực tiễn những năm qua, Hà Nội đã có nhiều trạm bơm cuối nguồn như hệ thống trạm bơm ở Liên Mạc; Yên Sở với 3 trạm bơi Yên Sở I, II, III; khu vực Đồng Mông có 2 trạm bơm, hay là có những khu vực đang chuẩn bị xây dựng trạm bơm nước ở khu đô thị Nam Thăng Long, Đông Mỹ... Tất cả các trạm bơm này đều góp phần đẩy nhanh thoát nước ra các dòng sông chính để chảy ra biển và các dòng sông khác.

Thế nhưng, lưu lượng nước chảy mạnh còn dự báo công suất các trạm bơm này lại nhỏ. Lấy ví dụ như trận lụt vừa qua xảy ra cách đây 2, 3 ngày thì đã huy động hết tất cả các máy bơm và trạm bơm kia, nhưng vẫn ứ đọng bình thường. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nâng công suất các trạm bơm? Đây là vấn đề cần phải có sự quan tâm của Nhà nước.

Theo ông, với các dự án chưa triển khai, chúng ta cần có lộ trình giải quyết như thế nào để tránh ảnh hưởng hệ thống thoát nước đô thị?

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Tôi cho rằng, chúng ta phải rút ra một bài học là không nên phát triển kiểu "xôi đỗ", nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị. Theo đó, chúng ta cần có những giải pháp rà soát lại. Khi nào chủ đầu tư phát triển mới xây dựng các khu đô thị thì họ cũng phải có trách nhiệm với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài.

Đồng thời, Nhà nước phải nhận thấy vai trò của mình. Tức là khi cho phép bố trí nguồn lực đối ứng để phát triển hạ tầng kỹ thuật bên ngoài thì mới có thể giải quyết vấn đề úng ngập.

Bài toán chống úng ngập tại Hà Nội: Lời giải từ quy hoạch - Ảnh 2.

Nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội xử lý thoát nước kịp thời tại một số tuyến phố sau trận mưa lớn ngày 29/5. Ảnh: VGP/Diệu Anh

 Cần phải điều chỉnh lại quy hoạch

Trong thời gian tới, Hà Nội cần có những thay đổi gì trong quy hoạch nội đô để hạn chế và chấm dứt tình trạng "cứ mưa lớn là ngập lụt", thưa ông?

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Chúng ta cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ.

Có một giải pháp mà tôi cho là phải làm ngay là đầu tư để chống úng ngập cục bộ bằng các trang thiết bị hiện đại, bằng lực lượng cơ động như lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta muốn điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu của biến đổi khí hậu thì chúng ta cần có thời gian. Bây giờ chúng ta đang chuẩn bị lập quy hoạch Hà Nội 2021-2030, chúng ta phải lồng ghép vấn đề này vào. Trong thời gian quá độ chờ thực hiện vấn đề quy hoạch này cần có biện pháp để chống úng ngập cục bộ. Vấn đề này đã có rất nhiều nước và kể cả TPHCM cũng đã có những giải pháp thành công.

Chẳng hạn ở các nước Hoa Kỳ, Hà Lan có những cách để chống úng ngập rất nhanh bằng kè trắng khoa học hay trạm bơm tốc độ cao. Phải chăng trong giai đoạn này, Hà Nội cũng cần có sự điều chỉnh ngân sách xây dựng trạm úng ngập cục bộ. Chắc chắn các trạm úng ngập cục bộ này phải gắn kết các hệ thống thoát nước…

Đó là các vấn đề xoay quanh hệ thống thoát nước lâu dài, chúng ta phải nhìn nhận vào tất cả các yếu tố, thay vì chỉ nhìn vào các phần vụn vặt. Đây gọi là chiến lược thoát nước mà chúng ta cần quan tâm và trước hết các cơ quan quản lý phải thống nhất, giải quyết đồng bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chung Anh (thực hiện)