In bài viết

Bạn đã biết những gì về danh thắng Tràng An?

(Chinhphu.vn) - Những cái tên “Tràng An”, “Bái Đính”, “Cố đô Hoa Lư”… không xa lạ với người Việt, nhưng ẩn sâu trong đó còn là những giá trị lịch sử-văn hóa dân tộc Việt mang tính toàn cầu, là sợi dây vững bền kết nối quá khứ với hiện tại. Đây là điều mà có thể bạn chưa cập nhật…

16/04/2017 10:52


Tràng An huyền ảo trong đêm

Nằm ở rìa Nam châu thổ sông Hồng, thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía đông nam, quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là “Di sản hỗn hợp đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á” vào tháng 6/2014.

Tổng quan về Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính

Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu với tổng diện tích 12.000 ha, trong đó có 6.000 ha là vùng lõi gồm: Khu hang động Tràng An, khu Cố đô Hoa Lư và khu chùa Bái Đính.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An là địa linh nhân kiệt, nơi Đinh Tiên Hoàng xây dựng Nhà nước tập quyền đầu tiên của Việt Nam vào năm 968, lập Hoa Lư là thủ đô của nước Việt Nam có chủ quyền. Do địa hình độc đáo với “núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”, các nhà sử học gọi Hoa Lư là “Kinh đô đá”.

Kinh đô Hoa Lư được sử dụng trong 4 triều đại: Đinh-Lê-Lý-Trần, đặc biệt là nhà Trần đã sử dụng rất thành công kinh đô đá Hoa Lư để chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ thứ XIII.

Hang Cả ở Tam Cốc-Bích Động

Cố đô Hoa Lư là một chứng tích khảo cổ nổi bật và được lưu giữ tốt, thể hiện rõ nét về cuộc sống vào giai đoạn thế kỷ X quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Cố đô thể hiện tính liên tục của mối quan hệ mật thiết giữa cảnh quan và cư dân thời bấy giờ, với nguồn gốc của họ kéo dài về tận thời tiền sử.

Trong khi đó, Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, đã minh chứng cách thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến động lớn về môi trường trong khoảng thời gian hơn 30.000 năm.

Tại hang Trống, hang Bói, hang Mòi (thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An), các chuyên gia khảo cổ Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) cùng với các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật, chứng minh rằng có sự xuất hiện của người tiền sử cách đây khoảng 30.000 năm.

Chùa Bái Đính

Khu du lịch Tràng An-Bái Đính là điểm thu hút khách trong nước và quốc tế lớn nhất miền Bắc với khoảng 6,5 triệu lượt/năm.

Đặc biệt với phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có, khu du lịch Tràng An đã được hãng phim Hollywood Warner Bros nổi tiếng của Mỹ chọn là nơi quay các cảnh trong bộ phim “Kong: Skull Islands” (Kong: Đảo đầu lâu). Bộ phim vừa được công chiếu này có tới 80% cảnh quay ở Tràng An.

Chùa Bái Đính có tổng diện tích 1.700 ha, là một trong tứ trấn của Cố đô Hoa Lư, nơi Đinh Tiên Hoàng lập đền thờ Thánh Cao Sơn để trấn ải phương Nam cho Cố đô Hoa Lư.

Chùa Bái Đính là nơi sinh của Thánh Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư), người đã chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Thần Tông tại vườn thuốc sinh dược chùa Bái Đính.

Bối cảnh quay phim “Kong: Skull Islands”ở khu danh thắng Tràng An.

Hiện nay, chùa Bái Đính đã được tu bổ lại với ý tưởng của nhà sư Nguyễn Minh Không, tháp Báo Thiên của chùa cao 100 m là tháp Phật cao nhất châu Á cho tới thời điểm hiện tại; tượng Phật Di Lặc nặng 90 tấn tọa lạc trên đồi Ba Rau; tháp chuông với quả chuông nặng 36 tấn là quả chuông lớn nhất Việt Nam hiện tại; tượng Thích Ca Mâu Ni nặng 100 tấn, dát vàng, đã được sách Kỷ lục châu Á ghi là “Tượng đồng, dát vàng lớn nhất khu vực châu Á”.

Chùa Bái Đính cũng là nơi tổ chức thành công Đại hội Phật Đản toàn thế giới với hơn 100 nước tham dự vào năm 2008 và năm 2014.

Các khu bảo tồn chính trong quần thể danh thắng Tràng An

Quần thể danh thắng Tràng An gồm một số khu bảo tồn chính đã được công nhận nằm liền kề nhau với tổng diện tích 4.114 ha, chiếm 66% tổng diện tích Khu di sản, trong đó có 3 hạng mục chính, gồm: Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Rừng đặc dụng Hoa Lư.

Cố đô Hoa Lư rộng 315 ha và được xếp hạng là “Di tích Lịch sử Văn hóa và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” vào năm 1962. Tháng 5/2012, di tích này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi năm 2009.

Bối cảnh quay phim “Kong: Skull Islands”.

Danh hiệu “Di tích quốc gia đặc biệt” với Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quốc gia và kết nối các giai đoạn trong lịch sử dân tộc; ghi nhận đây là một di tích có kiến trúc đặc biệt của Việt Nam. Khu vực này có nhiều đền, chùa, lăng tẩm, bia và các hang động đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia.

Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là “Di tích Quốc gia Đặc biệt” tháng 5/2012 với tổng diện tích 2.299,4 ha.

Khu danh thắng này được kết hợp từ hai di tích quốc gia là Khu danh thắng Tam Cốc-Bích Động rộng 350 ha và Khu danh thắng Tràng An rộng 1.949 ha.

Đây là khu vực có nhiều giá trị quốc gia đặc biệt về cảnh quan tự nhiên, kiến trúc và những giá trị địa chất, địa mạo của Việt Nam và thế giới. Một số đền, chùa hang, bia và núi cũng được xếp hạng trở thành di tích quốc gia.

Rừng đặc dụng Hoa Lư rộng 1.500 ha, được quy hoạch vào năm 2005, là khu bảo tồn các hệ sinh thái thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ các di tích và cảnh quan văn hóa lịch sử, nghiên cứu khoa học, giải trí và du lịch.

Bối cảnh quay phim “Kong: Skull Islands".

Hiện nay, kế hoạch quản lý khu di sản (được xây dựng năm 2015 dưới sự hướng dẫn của Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTT&DL, Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia và các chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di sản quốc tế - ICOSMOS, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN) đang được thực hiện nhằm bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững, giữ gìn và phát huy giá trị Khu di sản, đặc biệt là giải quyết tốt vấn đề về quản lý du lịch và khảo cổ học.

Đây còn là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu, phát huy giá trị và chuyển giao di sản Khu danh thắng Tràng An cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới.   

Quang Diệu