Trong hai ngày 10 và 11/7 tại KCN chung Kaesong ở Triều Tiên diễn ra cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm khôi phục hoạt động của KCN này sau gần 3 tháng bị đóng cửa. Đây được coi là nỗ lực của cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm khôi phục hoạt động của KCN và cũng là tín hiệu cho thấy các mối quan hệ liên Triều đang ấm trở lại.
Cuộc đàm phán tại Kaesong là cuộc đàm phán thứ hai giữa hai bên, sau cuộc đàm phán cấp chuyên viên cuối tuần trước tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Tại cuộc đàm phán đầu tiên, hai bên đã nhất trí trên nguyên tắc sẽ mở lại KCN chung Kaesong, ngăn ngừa tái diễn tình trạng đóng cửa ở đây, cho phép các doanh nghiệp Hàn Quốc đến kiểm tra nhà máy ở Kaesong vào ngày 10/7 và bảo trì các trang thiết bị để giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng nhất trí trả lại cho các công ty Hàn Quốc những thành phẩm và nguyên liệu sản xuất còn lại ở Keasong và đảm bảo an ninh cho xe cộ, nhân viên của các công ty ra vào khu công nghiệp này.
KCN Kaesong trên biên giới Triều Tiên tạo ra số sản phẩm trị giá 2 tỷ USD mỗi năm và tạo việc làm cho 53.000 lao động Triều Tiên. Kaesong là nơi sản xuất ra các mặt hàng may mặc, quần áo, linh kiện xe hơi, chất bán dẫn và các thiết bị khác cho các công ty đến từ Hàn Quốc. Các công ty hoạt động ở khu công nghiệp này đã đầu tư khoảng 500 triệu USD kể từ khi nó khánh thành vào năm 2000. Những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, Huyndai Motor và một loạt công ty khác sẽ bị thiệt hại nếu như khu công nghiệp Kaesong không hoạt động.
KCN Kaesong được thành lập là kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa năm 2000 - đỉnh cao của mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên - hai bên đối địch trong cuộc chiến triều Tiên 1950 -1953 và trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Từ đầu tháng 3/2013, khi Triều Tiên có một loạt tuyên bố và hành động đẩy mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên đến bờ vực của một cuộc chiến tranh thực sự, như hủy bỏ hiệu lực của Hiệp định đình chiến, báo động quân đội, triển khai trực chiến các đơn vị tên lửa chiến lược, khởi động lại cơ sở hạt nhân Yongbyon vốn bị đóng cửa trong thời gian dài.... nhằm đối phó với các hoạt động quân sự của phía Hàn Quốc như diễn tập quân sự, tập trận chung với Mỹ...
Cũng trong thời kỳ căng thẳng đó, Triều Tiên tuyên bố đóng cửa KCN Kaesong. 123 công ty của Hàn Quốc hoạt động tại đây đã buộc phải ngừng hoạt động từ hôm 9/4, khi Bình Nhưỡng ra lệnh rút toàn bộ 53.000 công nhân của mình. Sau đó Hàn Quốc cũng lệnh cho toàn bộ 175 công dân nước mình tại Kaesong về nước, khiến KCN này đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Nếu viễn cảnh nay trở thành sự thực, nó sẽ không chỉ làm gia tăng căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã chông gai giữa hai miền Triều Tiên, mà còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Hậu quả trước mắt có thể thấy ngay đó là khoản đầu tư 840 triệu USD của Hàn Quốc vào KCN sẽ bị mất trắng. Trước đó Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 350 triệu USD cho hạ tầng của Kaesong và gần 500 triệu USD dành cho nhà xưởng và các trang thiết bị. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, con số thiệt hại thực sự mà nước này phải gánh có thể lên tới 5,5 tỷ USD, do các doanh nghiệp phá sản sau khi phải đóng cửa nhà máy tại đây.
Trong một bản báo cáo được Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) đệ trình, 123 doanh nghiệp nước này tại Kaesong đã vay tổng cộng 1200 tỷ won (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các ngân hàng với lãi suất từ 1,9% - 15%/năm. Trong đó 860 triệu USD sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay. Để hỗ trợ các doanh nghiệp phải rút khỏi KCN Kaesong, Hàn Quốc vừa phải thành lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá 273 triệu USD. Tuy nhiên con số thiệt hại cuối cùng mà Hàn Quốc phải chịu có thể lên tới vài tỷ USD.
Mấy tháng qua, Hàn Quốc đã chấp thuận chi 300 tỷ won, tương đương 273 triệu USD nhằm hỗ trợ các công ty gặp khó khăn tức thời về thanh khoản do phải ngừng hoạt động tại các nhà máy trong KCN Kaesong.
Về phía Triều Tiên, mặc dù thiệt hại về kinh tế nhỏ hơn rất nhiều do nước này hoàn toàn không đầu tư gì vào hạ tầng hay các nhà máy tại Kaesong, nhưng Triều Tiên sẽ mất đi một nguồn thu quan trọng. Theo nghiên cứu của Viện Peterson, hàng năm chính quyền Triều Tiên thu được một phần đáng kể từ khoản lương 110 USD/tháng mà các doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho 1 công nhân nước này. Nếu tính tổng cộng các khoản thu trên, cộng với khoản thu từ thuế, phí, cho thuê mặt bằng, số tiền mặt Triều Tiên có được vào khoảng 90 triệu USD/năm. Đây rõ ràng là một con số không nhỏ với một nước bị lệnh cấm vận bủa vây suốt nhiều năm qua.
Năm 2009, Triều Tiên đã từng đóng cửa biên giới để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, khiến hàng trăm công nhân Hàn Quốc đã mắc kẹt tại Kaesong trong vài ngày. Sau đó, khu công nghiệp này trở lại hoạt động bình thường.
Việc hai miền tiến hành đàm phán để khôi phục hoạt động của KCN Kaesong và gần như chắc chắn Kaesong sẽ hoạt động trở lại trong thời gian tới, là tín hiệu đáng mừng. Bởi không chỉ hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế, Kaesong hoạt động trở lại sẽ tạo ra niềm tin của cả hai bên trong tiến trình giải quyết căng thẳng, tiến tới hòa giải dân tộc và xa hơn là thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Kaesong hoạt động trở lại sẽ là một bước tiến, sau rất nhiều bước lùi của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên./.
Nguyễn Chiến