Nga cản trở dự thảo lên án Triều Tiên
Phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc (LHQ) dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết ngày 19/4, Nga đã cản trở một tuyên bố của Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tuyên bố gồm những ngôn từ cứng rắn do Mỹ đưa ra này.
Trong dự thảo tuyên bố mới, HĐBA bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước động thái của Triều Tiên và một lần nữa đe dọa có thêm "những biện pháp mạnh".
Dự thảo này cũng dùng những ngôn từ mạnh để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, phía Nga muốn tuyên bố mới nhắc lại một ý trong tuyên bố tương tự hồi tháng trước, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được giải pháp thông qua đối thoại.
Sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng trước, HĐBA đã nhất trí ra tuyên bố lên án mạnh mẽ Bình Nhưỡng. Do đó giới chức ngoại giao khá ngạc nhiên trước việc Nga cản trở tuyên bố lần này. Mặt khác, bất đồng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Triều Tiên nổi lên đúng vào lúc sắp diễn ra một cuộc họp cấp bộ trưởng của HĐBA vào tuần tới để bàn về vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ chủ trì cuộc họp này.
Ngăn chặn một sự leo thang
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh đến bổn phận của Triều Tiên là phải ngăn chặn một sự leo thang.
Bà tuyên bố trước các phóng viên: "Điều quan trọng là Triều Tiên phải biết rằng chúng tôi không muốn phải lựa chọn chiến tranh, do đó hãy đừng cố khiến chúng tôi phải lựa chọn phương án đó. Quả bóng đang ở bên sân họ. Họ không nên sút bóng vào thời điểm này".
Trước đó, phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở của LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia nằm ở "tuyến đầu" của cuộc khủng hoảng - Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga - nỗ lực hết sức để ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.
Gây sức ép
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ đang tìm cách để gây sức ép đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, bao gồm cả việc đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách các nhà nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Phát biểu trước báo giới, ông Tillerson nêu rõ Washington đang "xem xét mọi phương án", trong đó bao gồm việc liệt Triều Tiên trở lại vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố, nhằm gây sức ép để Bình Nhưỡng tái cam kết với Washington, tuy nhiên "trên một cơ sở khác với các cuộc đàm phán trước đây".
Năm 2008, cựu Tổng thống George Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố để đổi lại việc Bình Nhưỡng thu hẹp chương trình hạt nhân của nước này.
Đáp trả ngay lập tức
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 20/4, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã ra lệnh cho quân đội nước này tăng cường khả năng sẵn sàng đáp trả “ngay lập tức” bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên.
Phát biểu tại một cuộc họp với các bộ trưởng của Hàn Quốc, ông Hwang nêu rõ quân đội cần theo dõi chặt chẽ khả năng Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích và tăng cường khả năng sẵn sàng đáp trả ngay lập tức.
Nhắc lại vụ phóng tên lửa bất thành ngày 16/4 vừa qua cũng như những lời tuyên bố mạnh mẽ gần đây của Bình Nhưỡng, ông Hwang cho rằng Triều Tiên có thể lại tiến hành các hành động khiêu khích “vào bất kỳ thời điểm nào”.
Bác khả năng đàm phán trực tiếp
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bác bỏ khả năng Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên vào thời điểm hiện tại.
Theo ông Pence, ưu tiên hiện nay của Washington là gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng và "điều duy nhất Mỹ cần nghe từ Triều Tiên là họ đang chấm dứt và hủy bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân".
Phó Tổng thống Pence cho biết chính quyền Mỹ coi chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng và khẩn cấp nhất tại châu Á - Thái Bình Dương hiện nay và Tổng thống Donald Trump quyết tâm đối mặt với vấn đề này bằng cách kêu gọi và huy động hỗ trợ từ các đồng minh khu vực của Washington như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới./.