Ngày 10/4, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo "Triển khai chương trình BHXH tự nguyện tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế".
Theo thống kê của Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), giai đoạn trước năm 2019, bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện tăng khoảng từ 20% đến 30% so với năm trước và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019.
Cụ thể, năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 558.000 người, gấp 2 lần so với năm 2018, bằng cả 11 năm trước cộng lại. Trong đó, nữ giới tham gia là hơn 319.000, chiếm 55,67%. Năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 1,12 triệu người, gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng BHXH tự nguyện có xu hướng chậm lại. Năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,44 triệu người, tăng 29% so với năm 2020. Năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,46 triệu người, tăng khoảng 12.000 người so với năm 2021 (tăng 0,85%).
Số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước cũng tăng qua các năm. Ví dụ như năm 2022, 34.419 người thuộc hộ nghèo đã được hỗ trợ (30% mức đóng), 39.597 người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ (25%), trên 1,38 triệu người được hỗ trợ đóng theo diện đối tượng khác (10% mức đóng).
Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tham gia từ ngân sách Nhà nước được thực hiện từ 2018 theo quy định của Luật BHXH 2014, có 18/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, như: Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Về quyền lợi hưởng, thống kê trong năm 2022 cho thấy, 7.749 người tham gia BHXH tự nguyện đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 197 người được giải quyết hưởng chế độ tuất hằng tháng; 4.594 người được giải quyết chế độ tuất 1 lần.
Các số liệu này trong quý I/2023 lần lượt là 1.267 người tham gia BHXH tự nguyện đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 54 người được giải quyết hưởng chế độ tuất hàng tháng; 1.184 người được giải quyết chế độ tuất 1 lần.
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia của WB đưa ra các đánh giá chi tiết về quy trình thủ tục hành chính tham gia BHXH tự nguyện hiện nay; chia sẻ các nhận định, số liệu thống kê từ các điều tra, khảo sát đánh giá về chất lượng, hiệu quả truyền thông, vận động BHXH tự nguyện...
Trưởng nhóm Phát triển con người của WB Christophe Lemiere đánh giá cao những kết quả phát triển BHXH của Việt Nam. Theo đó, tính bền vững của hệ thống đã được cải thiện với những cải cách bước đầu. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang nỗ lực tháo gỡ một số rào cản, khiến cho loại hình BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn bằng việc thêm khoản trợ cấp thai sản, giảm thời gian đóng của người lao động, tăng khoản hỗ trợ từ ngân sách...
Dù vậy, ông Christophe Lemiere cũng đánh giá còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu bảo phủ chế độ hưu trí đến số đông người lao động nhất là trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay.
"Để đạt bao phủ 60% lực lượng lao động tham gia BHXH và 60% người cao tuổi có lương hưu vào năm 2030, cần có những giải pháp cải cách mạnh mẽ", ông Christophe Lemiere nhận định.
Về vấn đề sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện đang được xây dựng, WB đang phối hợp với BHXH Việt Nam và Tổng cục Thống kê để thực hiện khảo sát nhằm đưa ra các dự báo tác động thực tế khi được triển khai.
Đánh giá cao vai trò của việc xây dựng, sửa đổi chính sách, song ông Christophe Lemiere đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam về các kinh nghiệm quốc tế, đưa ra các khuyến nghị về chuyên môn để tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, tiếp thu những kinh nghiệm của quốc tế và chủ động triển khai nhiều giải pháp, mục tiêu tăng số tham gia BHXH tự nguyện đang được ngành BHXH Việt Nam tích cực triển khai. Theo đó, cơ quan BHXH phối hợp các ngành, các cấp lập danh sách đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH để tập trung tuyên truyền, vận động tham gia.
BHXH các cấp tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp…; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng. Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức dịch vụ thu bằng việc tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng chủ động kêu gọi cộng đồng DN, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.
Từ năm 2022, WB và BHXH Việt Nam đã phối hợp triển khai các đợt khảo sát, tìm hiểu để tư vấn hỗ trợ mở rộng diện bao phủ và hiệu quả hoạt động của BHXH tự nguyện.
Đoàn chuyên gia của WB đã làm việc với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, tìm hiểu thực tế công tác phát triển BHXH tự nguyện tại BHXH tỉnh Thái Nguyên và BHXH TP. Hải Phòng.
Các chuyên gia của WB triển khai 4 hoạt động hỗ trợ BHXH tự nguyện tại Việt Nam, bao gồm: Lập bản đồ quy trình triển khai chương trình BHXH tự nguyện để phân tích và đề xuất cải thiện quy trình; phân tích, đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ mức đóng đối với mức độ bao phủ và tính bền vững; thực hiện khảo sát để thu thập ý kiến liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, xác định những thay đổi cần trong xây dựng chính sách từ đó hỗ trợ điều chỉnh luật BHXH; tăng cường truyền thông về chương trình BHXH tự nguyện thông qua xây dựng thương hiệu và tạo tài liệu trực quan.
Thu Cúc