![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định thời gian qua, ngành ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách.
Tính đến hết tháng 7/2019, dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.
Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong khu vực tăng 2,39% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 9% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc
Mạng lưới của các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Riêng ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) hiện đang triển khai, thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện, trong đó có các chương trình tín dụng dành riêng cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến 31/7/2019 dư nợ tại khu vực địa bàn đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486.000 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỉ trọng 21,5% tổng dư nợ tại NHCSXH; góp phần giúp trên 762.000 hộ thoát nghèo.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung (Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: Từ đầu năm 2019 tại Việt Nam bùng phát dịch tả lợn châu Phi, khiến cho giá lợn biến động thất thường dẫn đến khó khăn cho các đơn vị chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự đồng hành của ngân hàng Agribank, đến nay công ty vượt qua khó khăn trong lĩnh vực đầu tư.
Tại Hội nghị các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thực tế hiện nay, việc triển khai cho vay vốn đối với doanh nghiệp siêu nhỏ của các tổ chức vi mô chưa có điều kiện để phát triển do nhiều mặt hạn chế, chủ yếu hạn chế về nguồn lực và hành lang pháp lý.
Hiệp hội cũng đề nghị thay đổi các quy định pháp lý theo hướng hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô mở rộng hoạt động chuyên nghiệp theo hướng thương mại hóa; tăng cường tiếp cận khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ, cho phép huy động nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân và nước ngoài.
Đại diện ngân hàng chủ lực triển khai tín dụng chính sách, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH phân tích, người dân tại địa bàn trung du và miền núi phía bắc vẫn có tập quán vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi, sản xuất nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; sản phẩm sản xuất ra nhỏ lẻ, manh mún, khó tiêu thụ, chưa kết nối được với thị trường, lợi nhuận thấp, đồng tiền thu được không bù đắp đủ chi phí sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp. Bên cạnh đó, vẫn thiếu sự phối hợp của các ngành, các cấp lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, dẫn đến một bộ phần đồng bào sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.
Đại diện Hợp tác xã (HTX) Ngọc Lan tại Sơn La chia sẻ, Agribank đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh đồng hành từ hướng dẫn hồ sơ, làm phương án vay cũng như tập huấn cho HTX việc sử dụng vốn. Tuy nhiên, các HTX vẫn cần các cơ quan ban ngành hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm tại thuận lợi cho việc xuất khẩu.
![]() |
Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng
Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phân tích: Nhu cầu vốn trung và dài hạn trong khu vực lớn, các ngân hàng với nguồn vốn có hạn đang phải “căng” ra để triển khai cho vay. Việc phải điều hoà vốn từ các từ các ngân hàng cấp trên và các ngân hàng khác khiến chi phí vốn tăng lên. Trong khi đó, đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro và khó khăn. Ngoài ra, vẫn có một số vướng mắc về cơ chế khung khổ pháp lý khiến việc tiếp cận vốn trong một số trường hợp còn khó khăn.
Với NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của TCTD; tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho loại hình TCTD này hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh, không chỉ nông nghiệp mà có thể cả phát triển các thế mạnh khác như du lịch…
Với các ngân hàng thương mại, cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, trong đó, ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân trên địa bàn kinh tế còn khó khăn.
Cần nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các ngân hàng cần xây dựng các chương trình tín dụng ưu tiên cho các hộ dân đã thoát nghèo, tránh tái nghèo trở lại.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, để hoạt động ngân hàng tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng cần sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành nghề.
Về cơ chế, Phó Thống đốc cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV); trong đó có các văn bản hướng dẫn liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) Trung ương và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các loại hình quỹ này nhằm hỗ trợ DNNVV, hợp tác xã tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh.
Cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất kịp thời cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai cho vay các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Về phía các địa phương, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay trên địa bàn. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, dành một phần nguồn vốn của địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng của ngân hàng để người dân hiểu rõ cơ chế. Cần tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các Quỹ tài chính của tổ chức mình để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người dân, người lao động, phụ nữ nghèo.
Huy Thắng