In bài viết

Bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Chinhphu.vn) - Chiều 19/4, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký biên bản bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng cho tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

20/04/2016 08:29

Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Lễ bàn giao diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của các Thứ trưởng cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, được Trung ương phân công nhiệm vụ phụ trách Bộ GD&ĐT là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Bộ trưởng cũng coi việc bàn giao nhiệm vụ này như một cuộc chạy tiếp sức, tiếp bước bậc tiền nhiệm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã dành nhiều công sức, tâm huyết gây dựng những tiền đề, nền móng để những người đi sau tiếp bước trên con đường đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh vai trò của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ, những người sẽ cùng ông sát cánh, kế thừa và xây đắp kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành. “Tôi sẽ không thể làm được nếu thiếu các đồng chí!”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chúc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, triển khai công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt được kết quả như mong muốn của toàn dân, toàn Đảng, toàn ngành.

Trước đó, trao đổi với báo chí sau khi Quốc hội hoàn tất bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ sáng 9/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, đã làm trong ngành nhiều năm, thấu hiểu những khó khăn, gian khổ không hề nhỏ mà các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đã phải trải qua. Nay được đặt vào cương vị ấy ông ý thức sâu sắc rằng có rất nhiều thử thách đang chờ ở phía trước.

Mặc dù vậy, ông rất tin tưởng vào thành công vì giáo dục-đào tạo là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Bên cạnh đó, chúng ta có rất nhiều chuyên gia giỏi và đầy nhiệt huyết ở cả trong và ngoài nước. Nếu tranh thủ được trí tuệ và nhiệt tình của họ thì lo gì ngành giáo dục-đào tạo của chúng ta không có “hòn núi cao”. Vì vậy, với tư cách là Bộ trưởng mới, ông sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình.

Về nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước của ngành, việc đầu tiên ông bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.

Khẳng định, đây là một sự nghiệp hết sức lớn lao, ông nói: Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người. Để đạt được mục tiêu ấy, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá phải được triển khai một cách khoa học, đồng bộ, lớp lang theo hướng hội nhập quốc tế nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục phổ thông đi vào kỷ cương, nề nếp; giáo dục đại học phải hướng tới chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Khẳng định, quyết định sự thành bại của sự nghiệp này là ở nhân tố con người, Bộ trưởng cho rằng, để triển khai kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, trước hết phải tính đến nhân tố giữ vai trò quyết định này; đồng thời việc đổi mới chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và học liệu phù hợp sẽ được coi là khâu quan trọng; và đổi mới quản lý, quản trị ở các cơ sở giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình và giám sát của xã hội cũng sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với chất lượng và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một dân tộc hiếu học, trọng học, một đất nước mà mỗi gia đình sẵn sàng dành tất cả những gì mình có cho việc học hành của con cái thì không có lý do gì để chúng ta không có một nền giáo dục xứng tầm. Đây là tiềm năng, là nguồn lực thực tế và cũng là nền tảng văn hóa-xã hội đảm bảo cho thành công của sự nghiệp Đổi mới giáo dục-đào tạo. Với sự chung tay, góp sức của toàn dân và sự ủng hộ của toàn xã hội thì khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua.

“Nhưng tôi cũng hiểu rằng, để đi tới thành công, người được giao trọng trách đứng đầu ngành phải có cái nhìn toàn cầu, đủ năng lực bắt nhịp với xu thế thời đại, đồng thời phải có quyết tâm rất cao, bản lĩnh vững vàng với tinh thần bứt phá quyết liệt. Tôi nguyện sẽ dành hết tâm sức của mình cho công việc để đáp lại sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Bộ trưởng bày tỏ.

Trần Hà