Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ chiều 30/7, ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết: Bộ Nội vụ ban đã hành Quyết định số 838/QĐ-BNV về Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Kế hoạch nhằm xác định được Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là các bộ), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh). Đầu quý II năm 2022, sẽ công bố Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, các tỉnh.
Kế hoạch cũng yêu cầu các nhiệm vụ, tiến độ thời gian, trách nhiệm trong triển khai được xác định rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, các tỉnh trong triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức công tác tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh bảo đảm trung thực, khách quan, đúng quy định.
Theo Kế hoạch, sẽ tổ chức điều tra xã hội học theo bộ câu hỏi điều tra xã hội học đối với từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm khách quan, phù hợp với Đề án xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định số 979/QĐ-BNV ngày 18/11/2020 phê duyệt Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá CCHC và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”.
Ngoài ra, xác định được Chỉ số CCHC phản ánh thực chất, khách quan kết quả CCHC của các bộ, các tỉnh năm 2021; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với CCHC nói chung và đánh giá kết quả CCHC hằng năm của các bộ, các tỉnh nói riêng.
Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, Kế hoạch này là tiền đề quan trọng để thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, trong đó thể chế hóa định hướng của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII về CCHC. Từ đó, xây dựng, xác định mục tiêu cụ thể và lượng hóa để triển khai với trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, tài chính công.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo đó, giải pháp tổ chức thực hiện là tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung CCHC trong chương trình. Có cơ chế phân công, phối hợp thống nhất, rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung CCHC để Chương trình được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình, xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức; tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc Chương trình; gắn việc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hằng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác thi đua khen thưởng trong công tác CCHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội; bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.
Lê Sơn