In bài viết

Ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

(Chinhphu.vn) – Liên quan đến nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới với nhiều nội dung kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI.

08/10/2023 14:55
Ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, nổi bật là, về phạm vi và cách tiếp cận, nếu như Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI chỉ đề cập đến một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 thì lần này, Nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, đồng thời với việc tiếp tục khẳng định, kế thừa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, vẫn còn nguyên giá trị, Hội nghị lần này đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới; khẳng định, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người là trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch COVID-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Phát huy truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", nhân ái, nghĩa tình, "thương người như thể thương thân" của nhân dân trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Về mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Trung ương đã thống nhất cao xác định mục tiêu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.

Nguyễn Hoàng