Quân ta phục kích đánh địch ở hầm số 1 đèo Hải Vân trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nguồn ảnh: QĐND |
Lịch sử tỉnh Quảng Nam ghi rõ khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946 phát đi khắp cả nước, phối hợp với thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước, quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm thất bại kế hoạch bình định và kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.
Ngày 19/12/1946, Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng nhận được điện từ Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông báo: “Ở thủ đô Hà Nội giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn quân Pháp sẽ nổ súng”.
Lúc này, thế trận của ta bố phòng quanh Đà Nẵng đã hoàn tất, cả trong nội thành cũng như ở vòng ngoài và đang sẵn sàng chờ lệnh.
Đêm 19/12/1946, Ủy ban Quân sự Quảng Nam-Đà Nẵng nhận được lệnh qua điện thoại của đồng chí Nguyễn Chánh và Cao Văn Khánh (Quân khu V) chuẩn bị nổ súng tiến công giặc.
Một hội nghị liên tịch đặc biệt được triệu tập tại Trung đoàn 96 ở ngã tư Yên Khê, gồm các đại diện Ban Chỉ huy Mặt trận, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy ban Kháng chiến.
Hội nghị thống nhất nhận định tình hình địch, ta và xác định nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng lúc này là chiến đấu giữ chân địch, không cho chúng vượt đèo Hải Vân để liên lạc với bộ phận quân Pháp ở Huế, đồng thời ngăn chặn không cho chúng nhanh chóng vượt qua sông Cẩm Lệ để tiến về phía nam.
Hội nghị quyết định đúng 2h sáng 20/12/1946, các đơn vị bộ đội đóng tại Đà Nẵng sẽ nổ súng ở các trọng điểm đã định, chốt giữ những nơi trọng yếu, không cho địch liên lạc, ứng cứu nhau, đồng thời phá sập các cầu, các cơ sở quan trọng, hạ cây cản đường, tiếp tục đưa hết số đồng bào còn lại tản cư khỏi Thành phố.
Sáng 20/12, khi nghe súng nổ ở khu vực Cầu Vồng, đội tự vệ của nhà máy điện cho nổ bom phá nhà máy; Trung đoàn 93 nổ mìn phá sập cầu Cẩm Lệ và cầu xe lửa Phong Lệ (cầu Đỏ); ở phía bắc, gần đèo Hải Vân, cầu Thủy Tú cũng bị phá sập. Như vậy, cuộc kháng chiến của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng thực sự bắt đầu.
Trong ngày đầu kháng chiến, nhiều trận chiến đấu quyết liệt giữa quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và quân địch đã diễn ra ở khu vực Ủy ban Hành chính Thành phố, Ngã Năm, Cổ viện Chàm, nhà ga Đà Nẵng, cầu Vồng...
Ngày thứ hai (21/12), địch dùng đại bác từ ngoài tàu chiến bắn vào uy hiếp và chặn đường tiếp tế của quân ta. Nhiều trận kịch chiến diễn ra ở chợ Mới, Cổ viện Chàm.
Qua ba ngày, nhờ số lượng đông, vũ khí mạnh, quân Pháp đã chiếm được nội thành, nhưng khi địch vào thì chỉ thấy một thành phố vườn không, nhà trống, không điện, không nước... Các đường phố bị phá, bị chặn bằng đủ loại chướng ngại vật. Trong khi đó, để bảo toàn lực lượng, các đơn vị của quân ta rút khỏi trung tâm, bố trí ở vòng ngoài, chiếm giữ các điểm cao, các phòng tuyến nam sông Cẩm Lệ, Non Nước, Nghi An, Hòa Mỹ, ngã tư Thanh Khê, đèo Hải Vân... không cho địch mở đường ra Huế và đánh lan ra vùng nông thôn.
Ngày 7/1/1947, có thêm viện binh từ Pháp sang, địch mở nhiều đợt tấn công vào các phòng tuyến của ta. Các chiến sĩ ta chiến đấu dũng cảm, nhiều trận đánh giáp lá cà đã diễn ra. Sau hơn một tháng chiến đấu, quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã tiêu hao một lực lượng giặc đáng kể, giam chân chúng trong Thành phố, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của giặc; tạo điều kiện cho đồng bào có thời gian tản cư, ổn định đời sống, chuyển dần vào sinh hoạt thời chiến, bảo tồn được lực lượng vũ trang và các cơ quan lãnh đạo của ta.
Ngày 20/7/1954, quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng làm nên chiến thắng Bồ Bồ - trận “Điện Biên Phủ tại Quảng Nam”, góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.
Hăng hái đánh giặc giữ làng
Đánh giá thắng lợi của một tháng kháng chiến đầu tiên của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc này là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Nam Trung Bộ đã biểu dương: “So với toàn quốc, Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất và dẻo dai nhất” và đồng chí gửi tặng quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng lá cờ thêu hai chữ “Giữ vững”.
Ông Tống Thú kể lại khí thế những ngày toàn quốc kháng chiến ở Quảng Nam. Ảnh: VGP/Thế Phong |
70 mùa thu đã qua, nhưng ký ức những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vẫn hằn sâu trong lòng nhiều lão thành cách mạng.
Ông Tống Thú (95 năm tuổi đời, 68 năm tuổi đảng, hiện ở Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch như tiếng kèn xung trận, truyền đạt đến đâu, khí thế sẵn sàng chiến đấu, đánh giặc giữ làng của quân dân ta tại nhiều địa phương bừng lên đến đó.
Thời điểm đó ông Tống Thú là Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã Phong Ngọc, huyện Điện Bàn. Khi nhận lệnh và kế hoạch hành động từ cấp trên, ông cùng nhiều đồng chí khác tại địa phương đã truyền đạt cho đồng bào tổ chức tản cư, mỗi nhà chỉ giữ lại một người, còn lại đều sẵn sàng kháng chiến.
“Sau nhiều năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta khát khao độc lập tự do. Vì vậy khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi kháng chiến, nhân dân đã hăng hái tham gia, các lực lượng vũ trang, du kích sẵn sàng chiến đấu. Mỗi xã có một trung đội du kích, các thôn đều có du kích quyết tâm đánh Pháp", ông Tống Thú kể lại.
Khi chiến sự xảy ra tại Đà Nẵng, nhân dân ai cũng đào công sự, tạo chướng ngại vật cản đường quân địch. Lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng. Ban Tiếp cư từ huyện đến xã tổ chức đón đồng bào từ Đà Nẵng và các huyện cánh Bắc tản cư vào. Với quyết tâm đó, thực tế chiến trường đã diễn ra trái với tham vọng của thực dân Pháp. Tại mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng, quân Pháp bị kìm hãm, khó khăn trong việc lập tề (bộ máy hành chính của địch).
Ông Trần Đình Cầu nhớ lại, trong những ngày đầu kháng chiến dù khó khăn nhưng quân và dân ta không sờn lòng. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Ông Trần Đình Cầu (87 năm tuổi đời, 67 năm tuổi đảng, nguyên Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình, Quảng Nam), nhớ lại lúc Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân và thanh niên tại địa phương đã nhất tề đứng dậy tham gia phong trào bảo vệ quê hương, làng xã. Ai đủ điều kiện sức khoẻ đi kháng chiến, ai không đủ điều kiện ở nhà làm dân quân tự vệ.
Theo ông Cầu, cuộc kháng chiến chống Pháp đã diễn ra tại thời điểm hết sức khó khăn nhưng rất hào hùng. Nhiều phong sôi nổi tại địa phương, tiêu biểu là phong trào cảm tử quân giữ lấy nước, nhà nhà tham gia kháng chiến, thanh niên sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Đồng bào đùm bọc cán bộ kháng chiến, dân quân du kích canh gác ngày đêm, nhờ đó chúng ta đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Thế Phong