In bài viết

'Bản hùng ca mùa Đông năm 1946'

(Chinhphu.vn) – Với 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý, triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca mùa Đông năm 1946" tái hiện sinh động về sự kiện toàn quốc kháng chiến năm 1946 của quân và dân ta, đặc biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội - nơi mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến.

13/12/2016 08:44

Hình ảnh toàn quốckháng chiến trưng bày tại triển lãm.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016) và 72 năm thành lập QĐND Việt Nam (1944-2016), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an (Bộ Công an), Bảo tàng Hậu cần (Tổng cục Hậu cần) tổ chức triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca mùa Đông năm 1946".

“Bản hùng ca mùa đông năm 1946” gồm 3 chủ đề tái hiện sinh động, trung thực cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân ta.

Với chủ đề “Đất nước ngàn cân treo sợi tóc”, triển lãm phản ánh tình thế nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với những thách thức, khó khăn, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt và muôn vàn khó khăn, nhất là âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Trước tình thế đó, Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của phần này bao gồm: Sơ đồ hình thái nước Việt Nam những năm đầu của chính quyền cách mạng, năm 1945; hình ảnh 20 vạn quân Tưởng kéo theo tay sai vào miền Bắc nước ta; hình ảnh lính Pháp đổ bộ vào Nha Trang; Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” ngày 12/12/1946 của Trung ương Đảng...

Quân Pháp đổ bộ vào Nha Trang ngày 25/9/1945

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là chủ đề của phần thứ hai, phản ánh khí thế của quân và dân cả nước hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch  với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bằng vũ khí thô sơ, quân dân Thủ đô Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chặn đánh quyết liệt, giành giật với địch từng ngôi nhà, gốc phố. Quân và dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu anh dũng, giam chân địch tại mặt trận Hà Nội trong vòng 2 tháng...

Tự vệ Sài Gòn sẵn sàng chiến đấu, 23/9/1945.

Các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của phần này như: Bút tích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946; pháo đài Láng bắn những quả đạn đầu tiên vào các vị trí của quân Pháp trong thành Hà Nội, mở đầu toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946.

Cùng với đó là các hình ảnh, hiện vật về bom ba càng Trung đoàn Thủ đô dùng để chiến đấu trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; Huy hiệu “Trung đoàn Thủ đô”- các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong lễ thành lập “Đội quyết tử” tại rạp hát Chuông Vàng (Hà Nội); thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trung đoàn Thủ đô nhân dịp Tết Định Hợi năm 1947…

Phố Bạch Mai (Hà Nội)trong những ngày toàn quốc kháng chiến 1946

Phần thứ 3 với chủ đề “Âm vang bản hùng ca kháng chiến” phản ánh sự lan tỏa của tinh thần toàn quốc kháng chiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được trưng bày ở phần này gồm: Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp” của Trung ương Đảng ngày 15/10/1947; áo trấn thủ của anh hùng, liệt sĩ Cù Chính Lan đã mặc trong trận tiêu diệt xe tăng địch ở Giang Mỗ (Hòa Bình) tháng 1/1952; Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953...

Triển lãm mở cửa  trong 3 tuần./.

Thanh Xuân