Thầy Nay A Yôn cùng học sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ năm 2020. |
Ăn cơm độn bắp, lội qua sông để đến trường cách nhà 10 km… tất cả vẫn không thể cản trở ước mơ đem ánh sáng tri thức về với bản nghèo của người giáo viên dân tộc, thầy Nay A Yôn, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Jrai làm nghề nông tại làng Pleipa Ama H’Lăk, xã Chứ Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, thầy giáo Nay A Yôn cũng như nhiều bà con dân bản quanh năm vất vả trồng lúa rẫy xen thêm cây bắp để khi ngô lớn ăn dần, chờ thu hoạch lúa.
Giữa núi rừng với nương rẫy cằn khô nơi núi đá, trải qua tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, thầy giáo Nay A Yôn cũng như nhiều thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số đã vượt lên tất cả để học tập, trưởng thành.
Lúc đó, cuộc sống khó khăn thiếu thốn càng khiến cậu học trò A Yôn có thêm ngọn lửa quyết tâm trong học tập để có cuộc sống tốt đẹp hơn. A Yôn trở thành học sinh giỏi đầu tiên của Trường THCS Chứ Mố (nay là Trường Trung học cơ sở Nay Der) kể từ khi trường thành lập.
Khi học Trường THPT Ayunpa (nay là trường THPT Lê Thánh Tông), A Yôn phải đi học cách nhà 10 km, ngày nào cũng phải đi qua sông Ba, mùa khô lội qua sông, mùa mưa đi thuyền… Tuy nhiên, khi đó, khó khăn lớn nhất là phải giao tiếp bằng tiếng Việt mà lúc học ở làng chưa bao giờ nói tiếng Việt nên A Yôn và các bạn còn chưa hiểu được bài thầy cô giảng.
Với quá nhiều khó khăn, đầu năm lớp 10, làng của A Yôn có khoảng 12 bạn đi học nhưng đến cuối lớp 10 chỉ còn lại 4 bạn. Đa phần nghỉ học vì không chịu được cảnh đi đến trường xa hoặc bị bắt ở nhà đi làm rẫy phụ giúp cha mẹ. May mắn thay, A Yôn có người mẹ thấu hiểu ý chí quyết tâm và tinh thần hiếu học của con nên đã động viên, chắt bóp tiền bạc để con tiếp tục được đến trường với mong ước về cuộc sống sau này sẽ tốt đẹp hơn.
Ngày biết tin trúng tuyển vào Đại học Trung ương Nha Trang, A Yôn vô cùng hạnh phúc khi biết ước mơ thuở bé đã dần thành hiện thực. Nhưng ngay sau niềm vui là sự lo lắng khi tài chính cho những năm tháng học đại học nơi thành phố.
Sau một năm học tại trường Đại học Trung ương Nha Trang, A Yôn được xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, chuyên ngành Toán. Gia cảnh khó khăn mà việc học tiếp tục tốn kém không ít chi phí nhưng cậu sinh viên A Yôn vẫn quyết tâm hoàn thành khóa học để đến gần hơn ước mơ trở thành người giáo viên.
Hun đúc trong lòng A Yôn là quyết tâm đem ánh sáng tri thức về với bản làng mình, giúp người dân bớt nghèo, bớt khổ, giúp các em nhỏ sẽ không phải gặp quá nhiều khó khăn trên con đường tiếp cận “cái chữ” như thầy đã từng trải qua.
Tốt nghiệp sư phạm, thầy giáo trẻ A Yôn may mắn trúng tuyển và công tác tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Từ khi được đứng trên bục giảng, thầy A Yôn dành tất cả yêu thương để chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ học sinh, bù đắp cho các em như bù đắp lại cho chính tuổi thơ mình, truyền lại khát khao tri thức và khát vọng vươn lên.
Thầy A Yôn rất cần cù, chịu khó học hỏi đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp giáo dục để có thể truyền đạt tri thức cho học sinh tốt hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh tốt hơn nữa, thầy quyết định đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng tại trường Đại học Khoa học Huế. Thầy A Yôn đã trở thành tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, nỗ lực vượt khó thành tài để con em bản làng cao nguyên Gia Lai noi theo, một hình mẫu minh chứng thuyết phục nhất cho câu chuyện muốn thoát nghèo, vươn lên thì phải học, không ngừng học.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục tại địa phương, thầy Nay A Yôn vinh dự nhận Giấy khen của Liên đoàn Lao động, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, UBND huyện Mang Yang và Huyện đoàn Mang Yang.
Nhật Nam