Bà Phạm Thị Viễn |
Năm 1967, mẹ của bà Viễn đã thiệt mạng trong một đợt ném bom của máy bay Mỹ. Còn trong những ngày liên tục trực chiến tại trận địa phòng không những ngày cuối năm 1972, bà Viễn lại đón nhận tin dữ, đêm 26/12, bom B52 đã dội trúng hầm và giết hại 2 người anh họ và bố của bà Viễn.
Trong đau thương, mất mát, bà Viễn và đồng đội càng nung nấu quyết tâm chiến đấu và cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, bên cạnh những đợt ném bom rải thảm bằng máy bay B52, không quân Mỹ còn sử dụng máy bay F-111A bay rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội để đánh phá.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khi ấy đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, triển khai đội hình, trận địa hợp lý, tổ chức và trực tiếp chỉ huy một liên đội tự vệ với 5 súng máy cao xạ 14,5mm. Các chiến sỹ trong biên chế gồm 3 trung đội tự vệ của Nhà máy gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Mai Động và Nhà máy cơ khí Lương Yên.
“Tôi ở vị trí pháo thủ số 1 nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay trúng đạn, phần đuôi của nó lóe sáng. Đấy là chiến công đầu tiên của đơn vị chúng tôi mà cũng vào ngày 22/12 nên chúng tôi không bao giờ quên được”, bà Viễn nhớ lại.
Sáng hôm sau (23/12), cấp trên thông báo trận địa Vân Đồn đã bắn rơi chiếc F111A (chiếc may bay này rơi tại Lương Sơn, Hòa Bình, du kích địa phương bắt sống được hai phi công Mỹ).
Cũng trong ngày hôm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng đã tới thăm các chiến sỹ dân quân tự vệ trận địa Vân Đồn đồng thời khen ngợi: “Các đồng chí chiến đấu rất dũng cảm. Đó là niềm tự hào đối với dân quân Hà Nội”.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tới thăm anh chị em và tặng lẵng hoa cho các tự vệ ngay tại trận địa.
Việt Hà-Bảo Minh (ghi)