Sở Tư pháp TP. Hà Nội trả lời vấn đề ông Quang hỏi như sau:
Khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng quy định, người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
Vì CMND là một loại giấy tờ tùy thân có chứa đựng các dấu hiệu đặc biệt mà chỉ có bản chính mới thể hiện được, do vậy bản sao CMND dù có chứng thực vẫn không thể bảo đảm tính chính xác và không thay thế cho bản chính được.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp làm giả, lồng ghép nội dung, thay ảnh trên CMND sau đó mang đi chứng thực bản sao để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Mặt khác, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về CMND có quy định rất rõ về việc sử dụng CMND.
Theo đó, công dân được sử dụng CMND của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát… (Điều 7);
Cán bộ, công chức và những người của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình CMND trước khi giải quyết công việc (Điều 9).
Căn cứ các quy định trên, không có quy định nào cho phép công dân sử dụng bản sao CMND khi tham gia vào các giao dịch phục vụ mục đích dân sự hay hành chính.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Sở Tư pháp TP. Hà Nội đã có thông tin hướng dẫn công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân
Tin liên quan:
- Thủ tục cấp lại Chứng minh nhân dân
- Về việc cấp lại CMND và hộ chiếu