In bài viết

Bán thông tin cá nhân: Sớm có chế tài xử lý triệt để

(Chinhphu.vn) – Thời gian gần đây, tình trạng rao bán thông tin cá nhân gồm: tên, tuổi, công việc, số điện thoại, email... lại rộ lên. Nhiều người dân bức xúc vì thông tin cá nhân của mình bị đem ra rao bán. Còn đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết việc bán thông tin cá nhân vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.

11/12/2012 08:38

Nhiều trang Web rao bán thông tin - Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Việt Khoa ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Khoảng 3 tháng trước tôi có đi mua ti vi ở một siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội và có cung cấp cho cửa hàng một số thông tin như tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại di động để chuyển hàng đến nhà. Chỉ khoảng 2 tuần sau đó, tôi liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại và tin nhắn tiếp thị, mời mua hàng của rất nhiều hãng đồ điện máy, điện lạnh khác. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian trả lời điện thoại từ chối lời mời của họ hay xóa hàng loạt tin nhắn. Thực sự tôi rất bực mình vì bị làm phiền quá nhiều”.

Cùng chung suy nghĩ với anh Việt Khoa, rất nhiều người khác cũng bất bình với việc bỗng dưng được nhân viên của hãng bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng nào đó mời chào sử dụng dịch vụ. Bất chấp người nhận điện có muốn nghe hay không, phía đầu dây bên kia vẫn kiên trì thuyết phục, làm mất thời gian của người nghe.

Chỉ được chuyển giao thông tin khi có sự đồng ý

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Vương Ngọc Tuấn đại diện Văn phòng tư vấn khiếu nại (VPTVKN) Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, theo Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng thì người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dung. Đồng thời, phải sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…

Như vậy, theo ông Vương Ngọc Tuấn, hoạt động rao bán thông tin cá nhân công khai là một biểu hiện của hành động vi phạm nghiêm trọng luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật pháp liên quan khác.

Doanh nghiệp thu thập phải có trách nhiệm bảo mật thông tin, có trách nhiệm đền bù nếu để các thông tin đó bị lợi dụng và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Sẽ tăng mức phạt

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, Bộ đang soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo dự thảo Nghị định sẽ tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm như mua bán thông tin cá nhân trái phép và phát tán tin nhắn rác… nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu, phòng tránh những hình thức trộm cắp tài khoản, thông tin tài khoản. Không kích hoạt vào các email có thông báo là "Cung cấp thông tin giao dịch", email có gắn kèm file lạ đề nghị kích hoạt (thường là virut và phần mềm gián điệp dùng dể ăn cắp thông tin cá nhân). Đồng thời, mỗi người cần đề cao cảnh giác, tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình, nhất là việc cung cấp thông tin cá nhân trên mạng Internet hay với các tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia. Mỗi người cũng cần chú ý yêu cầu các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có hình thức bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp, phải chú ý rà soát thật kỹ công tác bảo mật, kịp thời phát hiện các "lỗ hổng" trong quản lý thông tin của khách hàng nhằm giữ an toàn cho các cá nhân và cũng là bảo vệ uy tín, thương hiệu của chính mình.  

Đỗ Huệ - Huyền Nga thực hiện