GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng. Ảnh: tuyengiao.vn |
GS. Phạm Mạnh Hùng khẳng định nghề y là một nghề đặc biệt, chữa bệnh để cứu thể xác người bệnh, sau đó là cứu tâm hồn họ. Những người thầy thuốc là những người có trách nhiệm đặc biệt trước người bệnh, trước xã hội vì nó liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, bên cạnh trình độ chuyên môn, người thầy thuốc rất cần đến sự nhạy cảm của nghề nghiệp và đòi hỏi ý thức lương tâm nghề nghiệp.
Xét về góc độ kinh tế-xã hội, chăm sóc sức khoẻ tốt không chỉ là khám chữa bệnh (KCB) tốt mà còn phải góp phần làm cho người dân không bị nghèo hoá. Khi thiếu y đức, thầy thuốc kê một đơn thuốc hay chỉ định một xét nghiệm không cần thiết và đắt tiền thì người thầy thuốc đó đang gây nghèo đói cho người bệnh và xã hội.
Bên cạnh đó, y đức của người thầy thuốc cũng liên quan trực tiếp tới những sai sót trong y khoa. Theo báo cáo của Hội Điều dưỡng Việt Nam, khi điều tra 555 sự cố sai sót tại 5 bệnh viện tại Hà Nội, chỉ có 155 trường hợp (chiếm 27,8%) có báo cáo và 400 trường hợp (chiếm 72,2%) không báo cáo. Như vậy, với hơn 70% không báo cáo, nguy cơ tái diễn sai sót trong y khoa có thể sẽ xảy ra và lặp lại.
GS. Phạm Mạnh Hùng cho biết việc đổi mới văn hoá an toàn cho người bệnh đã được các nước tiên tiến trên thế giới thực hiện từ lâu và rất minh bạch. Theo đó, công khai những sai sót trong ngành y sẽ là một trong những biện pháp giảm thiểu sai sót, tăng trách nhiệm của người thầy thuốc, từ đó rèn giũa ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho người thầy thuốc hơn nữa.
Lợi ích phải đứng sau đạo đức
Những vấn đề đặt ra khi nói tới y đức hiện nay là nghề y từ phục vụ chuyển sang dịch vụ, vấn đề lợi ích, mưu sinh của người thầy thuốc có ảnh hưởng tới nhân đạo và y đức hay không.
Trong nền kinh tế thị trường, sự phân cấp giữa người giàu và nghèo dẫn đến y tế mang tính dịch vụ có điều kiện; người thầy thuốc phải mưu sinh, lợi ích đa dạng, đa chiều và phức tạp; các cơ sở y tế phải hoạch toán thu chi… Vì vậy, vấn đề y đức lại càng phải đặt ra như một điều kiện không thể thiếu với những người thầy thuốc.
GS. Phạm Mạnh Hùng dẫn chứng: Một nhóm bác sỹ trong trường hợp phải hội chẩn một ca bệnh khó, nếu toàn tâm, toàn ý với chuyên môn thì kết quả chẩn đoán, KCB sẽ chính xác hơn so với khi phân tâm về các vấn đề tiền bạc, giá cả của ca điều trị...
Như vậy, tính mạng và sức khoẻ của người bệnh phải được đặt lên trên lợi ích của người thầy thuốc, điều này là mục đích của nghề y nhưng cũng chính là điều kiện hành nghề của người thầy thuốc.
GS. Phạm Mạnh Hùng khẳng định có ba điều cần giải quyết hài hoà khi xem xét vấn đề y đức của người thầy thuốc trong kinh tế thị trường, đó là khoa học, nhân đạo và lợi ích. Theo đó, để phục vụ tốt, nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, mỗi người thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn tốt, không ngừng học tập để nâng cao các kiến thức mới.
Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho người bệnh, những người thầy thuốc phải luôn cẩn trọng, chính xác trong chuyên môn, thái độ phục vụ ân cần, đó là điều kiện đủ của quá trình rèn luyện y đức. Khi chất lượng phục vụ nâng cao, người bệnh lựa chọn bệnh viện tốt, bác sỹ giỏi, nguồn thu của bệnh viện tăng cao, lúc này lợi ích của người thầy thuốc được đáp ứng.
Ngoài ra, Nhà nước có vai trò quan trọng trong giải quyết lợi ích người thầy thuốc, nên quy định cụ thể giá dịch vụ, các phương án tài chính giúp người bệnh, đặc biệt là những người bệnh nghèo; chế độ BHYT toàn dân…
GS. Phạm Mạnh Hùng cho rằng giáo dục y đức là một trụ cột chính để nâng cao chất lượng KCB, nâng cao nền y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nên cần phải đưa vấn đề y đức vào luật. Đặc biệt, đưa các bài học y đức, trách nhiệm của người thầy thuốc vào giáo trình, vào các chương trình giảng dạy cho sinh viên y khoa và coi đó là một môn không thể thiếu trong quá trình đào tạo bác sỹ cho xã hội.
Thanh Thuỷ