Nằm ở thượng nguồn sông Mã, mang cái tên lục khục như đá dưới lòng suối bị nước xô va vào nhau, Sốp Cộp là 1 trong số hơn 60 huyện nghèo nhất nước.
Gian nan đường lên Sốp Cộp
![]() |
Vượt đèo Thung Khe. - Ảnh: VGP/Thuận Ánh |
Đèo Thung Khe nằm trên quốc lộ 6, thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình, cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có lẽ là con đèo đầu tiên thử thách tay lái của dân xe téc ngược Sơn La. Sau Thung Khe lại đến đèo Chiềng Đông, Chiềng Pấc nổi tiếng với những đường cua quanh co, sương mù giăng kín. Hầu hết xe téc chở xăng dầu “đổ đèo” đều chạy với tốc độ vừa phải, nhiều lúc chỉ hơn 10km/h.
Điều bất ngờ nhất đến từ 3 “kỵ sỹ”, “anh cả” Bùi Quốc Hùng, nhiều kinh nghiệm nhất mới qua tuổi 40, tuổi đang ở độ chín bên vô lăng. Còn 2 lái xe chính trong đoàn cũng như 2 lái phụ đều ở độ tuổi 8X. Lái chính Phạm Huy Toàn, Nguyễn Văn Lâm đều còn rất trẻ nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm chạy tuyến đường này.
Toàn cho biết, tuyến chạy lên Sốp Cộp vất vả, gian khó có nhiều đèo, đường quanh co, gấp khúc, khả năng xảy ra tai nạn rất cao nếu tay lái không “cứng”. Quan trọng hơn cả, người tài xế tâm phải “tĩnh”, không nóng vội mới có thể xử lý tình huống, khi những con “chiến mã” dài hàng chục mét, nặng 40 - 50 tấn, uốn lượn trên những đường đèo nhỏ hẹp. Hầu như trên cung đường này chỉ nhìn thấy xe téc chở xăng dầu có chữ P (xe của Petrolimex).
Sương mù trên đèo dày đặc, khoảng cách nhìn chỉ vài mét, những chiếc xe téc cứ bám lấy nhau mà căn, dò đường. Một chút sơ sảy là bị trả giá bằng cả tính mạng. Đó là chưa kể những lần gặp lở núi, việc nằm lại cùng xe cả tuần lễ là bình thường.
Phần lớn lái xe tuyến này là người gốc Mộc Châu, Yên Châu (Sơn La), thạo địa hình đèo núi như lòng bàn tay, hiểu được từng điểm, từng nơi, từng con người nơi chuyến xe đi qua, phần lớn thời gian gắn bó với xe. Anh Phạm Huy Toàn kể, dù vợ vừa mới sinh con được mấy tháng nhưng mỗi lần chạy xe lên Sốp Cộp, anh chỉ tranh thủ lúc bữa cơm nghỉ chân tại Yên Châu để chạy vội về.
Tháng 11/2009, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La khai trương cửa hàng tại huyện Sốp Cộp, những chuyến hàng xăng dầu của Petrolimex cứ đều đặn chuyển lên điểm cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Hành trình luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi của người tài xế. Từ ngã ba Mai Sơn- cửa ngõ phía Nam thành phố Sơn La, ngược hướng Tây Bắc hơn 100 km đến thị trấn huyện Sông Mã đã vất vả, nhưng thêm 30 km đường đèo vòng vo, ngoằn nghèo nữa mới đến được Sốp Cộp.
Vào mùa này, đập thủy điện xả nước nên suối dâng cao. Khi chúng tôi đến suối Pú Khua, nước ngập cả mét, lái phụ phải nhảy xuống dò từng bước qua suối để dẫn đường cho xe. Lái xe tháo cả cánh quạt của xe để xe vượt qua dòng nước chảy xối xả. Vượt qua dòng thác lũ ấy, người kỵ sỹ trẻ nhất (anh Toàn) mới thở phào “lúc vượt, xe mà vấp phải hòn đá hộc, sẽ bị lộn nhào, hậu quả sẽ khó lường”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Đông Dậu- Phó Giám đốc Chi nhánh Sơn La, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Petrolimex Hà Sơn Bình)- cho biết, nếu nước chảy xiết hơn chút nữa, xe téc chỉ có cách đứng bên này suối. Công ty sẽ chủ động chuyển từng thùng phuy 1,5m3 sang bờ bên kia. Sau đó, thuê xe tải nhẹ vận chuyển qua cầu. Phương pháp vận chuyển này tuy tốn kém, nhưng do Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu duy nhất trên địa bàn, nên không thể để nguồn cung xăng dầu đứt đoạn…
Đây chỉ là một trong ba con suối trên suốt hành trình mà xe nào cũng phải vượt qua: Pú Khua, Nậm Ca và Nậm Lạnh.
Đổi thay vùng đất nơi thượng nguồn sông Mã
![]() |
Lội sông. - Ảnh: VGP/Thuận Ánh |
Anh Đinh Công Hoan- Chủ tịch xã Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp) - cho biết trước đây có một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, nhưng do lỗ mãi nên họ cũng rút đi. Các điểm bán lẻ tự phát ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường. Xăng dầu được chứa trong can nhựa, khách có nhu cầu thì sang chiết. Giá xăng dầu bao giờ cũng cao hơn giá thị trường từ 4.000- 5.000 đồng/lít. “Còn những lúc mưa, lũ dâng cao thì có tiền cũng không mua được xăng dầu”- anh Hoan nói.
Cũng từ đây, người dân thường có thói quen tích trữ xăng dầu trong nhà để dùng dần, nguy cơ cháy nổ cao.
UBND huyện Sốp Cộp nhiều lần đề nghị với Sở Công Thương kêu gọi đầu tư cửa hàng xăng dầu nhà nước cho huyện vùng cao xa xôi này. Cuối cùng, chỉ có Petrolimex đặt chân tới đây. Sự xuất hiện của cửa hàng xăng dầu Petrolimex Sốp Cộp đã đem lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một huyện nghèo.
Có xăng dầu, bà con đã dần bỏ thói quen sử dụng sức kéo trâu, bò, chuyển sang máy nông nghiệp có hiệu quả. Phương tiện vận tải phục vụ sinh hoạt, kinh doanh được sử dụng nhiều hơn, giảm chi phí sản phẩm đầu ra, khuyến khích tiêu dùng… Nhờ phát triển kinh tế, Sốp Cộp đã dần mọc lên những ngôi nhà khang trang, thay thế cho những ngôi nhà tạm trước kia. Các hộ nghèo, theo như lời ông Phạm Văn Chung, hiện đã giảm khoảng 10% so với năm 2010.
Anh Tòng Văn Búng, xã Sốp Cộp- chủ cơ sở xay xát thóc gạo- cho biết, trước đây, mỗi khi hết dầu, anh phải đi hàng giờ xuống huyện Sông Mã mua, chi phí đi lại rất tốn kém. Nay, được mua dầu gần hơn, “giá Nhà nước”, công xay xát cũng vì thế mà giảm. Nhiều gia đình ở 8 xã nghèo nhất huyện đã mua được xe máy để phục vụ việc làm nương rẫy, mua thức ăn gia súc.
Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La (thuộc Petrolimex Hà Sơn Bình) Nguyễn Văn Liên cho biết: Kinh doanh xăng dầu ở miền núi càng bán nhiều càng lỗ, vì tất cả chi phí định mức chỉ 600 đồng/lít xăng dầu, nhưng riêng cước vận tải ở Sơn La trung bình đã 850 đồng/lít. Trước khi có sự xuất hiện của Petrolimex tại Sốp Cộp, không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào “trụ” lại được ở đây bởi vận chuyển khó khăn, chi phí cao. Thế nhưng, với vị trí của mình, Petrolimex không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn rất có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc. Đến nay, thương hiệu Petrolimex đã trở nên thân thuộc với vùng cao…
Thuận Ánh