Bộ trưởng Bộ Đường sắt Bangladesh chia sẻ về tình hình phát triển hạ tầng giao thông sau chiến tranh tại Bangladesh, bao gồm lĩnh vực đường sắt. Trong đó, cây cầu chung đường bộ - đường sắt lớn bắc qua sông nối phía Bắc và phía Nam Bangladesh đã được huy động mọi nguồn lực đầu tư vì có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Zillul Hakim mong muốn được chia sẻ về tình hình phát triển GTVT nói chung, lĩnh vực đường sắt nói riêng tại Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác hai bên.
Chào mừng Bộ trưởng Zillul Hakim và các cộng sự đã đến thăm, làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Bangladesh được thiết lập kể từ năm 1973. Hai dân tộc có nền tảng lịch sử tương đồng, cùng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập và vượt qua khó khăn, phát triển.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Việt Nam xác định Bangladesh là một đối tác quan trọng và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển GTVT tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam hiện đang tập trung quyết liệt phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2030 ngân sách chủ yếu dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Như giai đoạn vừa qua đã tập trung vào đầu tư đường bộ cao tốc, mục tiêu đến 2025 có 3.000km và đến 2030 có 5.000km.
Lĩnh vực hàng hải, Việt Nam phát triển thêm nhiều cảng biển dọc chiều dài đất nước, có nhiều cảng biển trong các Top trên thế giới. Lĩnh vực hàng không, Việt Nam quy hoạch 30 cảng hàng không, trong đó nhiều cảng hàng không quốc tế.
Đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam hiện có tổng chiều dài 3.143km, bao gồm 7 tuyến chính và một số tuyến đường nhánh, kết nối 34 tỉnh thành. Về đường sắt đô thị, hiện Hà Nội có một tuyến đang vận hành, tiến tới sẽ có thêm một tuyến tại Hà Nội và một tuyến tại TP.HCM được đưa vào vận hành vào cuối năm 2024.
Thời gian tới, Việt Nam có kế hoạch nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có gồm 7 tuyến tổng chiều dài khoảng 2.440km. Xây dựng 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545km, với tổng mức đầu tư khoảng 65-70 tỉ USD. Cùng đó xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Trong đó nhiều tuyến đường sắt được nhiều nhà đầu tư quan tâm như: Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt… Về đường sắt đô thị, dự kiến đầu tư, xây dựng 14 tuyến tại TP Hà Nội và TP.HCM.
"Để thực hiện kế hoạch này, tổng nhu cầu vốn cho kết cấu hạ tầng đường sắt đến 2035 là rất lớn, gần 190 tỉ USD. Do vậy, bên cạnh việc huy động vốn ngân sách trung ương, địa phương và tìm kiếm nguồn tài trợ ODA, Việt Nam ưu tiên, khuyến khích huy động tối đa nguồn vốn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) cho các dự án hạ tầng giao thông", Bộ trưởng nói.
Thời gian qua Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác tới các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, quản lý khai thác đường sắt hiệu quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh, một quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội, thu hút được đầu tư và nâng cao đời sống người dân thì trước hết phải ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước thông tin Bangladesh quan tâm phát triển hạ tầng giao thông.
"Tôi đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các kênh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, về các giải pháp và chính sách phát triển ngành đường sắt. Qua đó, doanh nghiệp hai nước tích cực trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt", Bộ trưởng nói và chúc Bộ trưởng Zillul Hakim có một chương trình làm việc thuận lợi và thành công tại Việt Nam.
Phan Trang