In bài viết

Báo cáo của Chính phủ, nhìn từ 3 vấn đề cải cách

(Chinhphu.vn) - Đây đều là những vấn đề liên quan mật thiết đến câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

23/10/2015 17:23

Không chỉ tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội ngày 20/10 còn xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2016 và 5 năm 2016-2020. Đây đều là những vấn đề hết sức quan trọng, nhưng trong bài viết này, xin đề cập 3 vấn đề lớn, vừa có ý nghĩa thời sự, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm 2010 xếp thứ 75/139 quốc gia, năm 2011 xếp thứ 65/142 quốc gia, năm 2012 xếp thứ 75/144 quốc gia, năm 2013 xếp thứ 70/148 quốc gia, năm 2014 xếp thứ 68/144 quốc gia, năm 2015 xếp thứ 56/140 quốc gia.

Nhìn lại cả 5 năm, Báo cáo của Chính phủ đánh giá “môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước tiến mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc”.

Đây là kết quả của những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thời gian qua, với việc tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cùng nhiều luật khác, đặc biệt là với việc triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đáng lưu ý, những nỗ lực này được triển khai trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và cả tình hình kinh tế xã hội trong nước.

Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và chủ động đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Đặc biệt Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 12 nước kết thúc đàm phán Hiệp định vào ngày 5/10 vừa qua.

Theo Báo cáo của Chính phủ, “việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia, có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu”.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị trường. Đặc biệt, con số 12 quốc gia cũng rất có ý nghĩa khi nhiều quốc gia muốn tham gia Hiệp định TPP nhưng không được.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Báo cáo của Chính phủ cho biết mặc dù kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng đến nay cũng đã “sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. DNNN cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”.

Có nhiều ví dụ cụ thể khẳng định sự đúng đắn của chủ trương cổ phần hóa DNNN. Vinamilk cổ phần hóa từ năm 2004 đến nay. Với số vốn ban đầu Nhà nước giao 1.590 tỉ VNĐ (gồm cả kho tàng, bến bãi, văn phòng…), đến nay sau hơn 10 năm, công ty đã hoàn vốn cho Nhà nước, tổng số vốn của Nhà nước còn lại tại Vinamilk nếu đặt lệnh bán trên sàn chứng khoán sẽ thu về trên 2 tỉ USD, con số rất ấn tượng.

Công ty CP Dược Hậu Giang cũng cổ phần hóa từ năm 2004 với số vốn ban đầu 80 tỉ VNĐ. Tính đến nay sau hơn 10 năm, công ty đã hoàn vốn cho Nhà nước, tổng số vốn của Nhà nước còn lại tại Dược Hậu Giang nếu đặt lệnh bán trên sàn chứng khoán sẽ thu về trên 170 triệu USD.

Ngoài ra, rất nhiều DNNN cổ phần hóa đạt kết quả rất tốt. Nếu có 50 công ty như Vinamilk, Việt Nam sẽ có 100 tỉ USD để xây dựng và phát triển kinh tế.

Qua phân tích 3 vấn đề nêu trên, có thể thấy Nhà nước cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hiệu quả, khi áp lực hội nhập đang tăng dần cùng với những cơ hội mới.

Điều đáng mừng là nhiệm vụ này đã được nhấn mạnh tại Báo cáo của Chính phủ. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và năm 2016 đã nêu rõ: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”.

Đây chính là giải pháp căn bản để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế-xã hội.

CEO. Đặng Đức Thành

 (Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế VEC)