In bài viết

Báo cáo kinh tế năm 2022: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống

(Chinhphu.vn) - Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp" đưa ra thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

01/08/2022 16:00
Báo cáo kinh tế năm 2022: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống - Ảnh 1.

TS. Vũ Thành Tự Anh, đồng chủ biên trình bày tóm tắt và một số thông điệp chính của báo cáo - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là thông tin được trao đổi tại Lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1/8, tại TP. Cần Thơ.

ĐBSCL đang đối diện với các vòng xoáy đi xuống

TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright, đồng chủ biên (cùng ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ) đã trình bày tóm tắt nội dung và một số thông điệp chính của báo cáo. Đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá khu vực ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ trên vùng Đông Nam Bộ nơi dịch COVID-19 khốc liệt nhất. Hai năm đại dịch giống như "lửa thử vàng" giúp bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. 

Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ - cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng - đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là -0,8% và -1,8%.

Điểm đáng chú ý ở ĐBSCL là tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình rất cao, trong giai đoạn 2015-2020 lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tuy nhiên, "nghịch lý" tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. 

Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba "vòng xoáy đi xuống" bao gồm "vòng xoáy ngân sách", "vòng xoáy lao động" và "vòng xoáy cấu trúc kinh tế".

Một nút thắt xuyên suốt các thảo luận của cả báo cáo thường niên 2020 và 2022 là cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng. Các cơ chế này hiện nay thiếu hiệu lực và hiệu quả, trong khi lực "ly tâm" trong liên kết vùng thì mạnh, còn lực "hướng tâm" lại đang rất yếu.

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL xuất hiện như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics.

Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

Để ĐBSCL phát triển, việc tháo gỡ các nút thắt là quan trọng, song đồng thời cũng phải không ngừng tìm kiếm những động lực phát triển mới. Trong hai năm 2020 và 2021, ngành năng lượng ở ĐBSCL nổi lên như một điểm sáng, tuy chiếm chưa tới 10% số dự án, song lại tiếp nhận tới hơn 60% tổng vốn FDI của toàn vùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần "duy lý" với các kế hoạch và dự án phát triển năng lượng chứ không nên chạy theo thành tích thu hút FDI hay những hứa hẹn thiếu cơ sở về tăng ngân sách. Trong khi nhiệt điện khí đang phải đối diện với nhiều rủi ro, điện Mặt trời đang gặp phải sự thay đổi chính sách, điện sinh khối chưa có khung khổ chính sách phù hợp...

"Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và công bố vào tháng 6 vừa qua. Nhưng vấn đề hiện nay là các địa phương ĐBSCL hợp tác thế nào để tận dụng, nếu phát triển rời rạc, cuốn vào đua xuống đáy thì khó tận dụng được cơ hội bứt phá", chuyên gia Vũ Thành Tự Anh lưu ý.

Báo cáo kinh tế năm 2022: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống - Ảnh 2.

Vòng xoáy đi xuống về kinh tế mà khu vực ĐBSCL phải đối mặt

Tăng cường liên kết, phát triển bền vững

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá cao nỗ lực xuyên suốt của Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ cũng như sự hợp tác của Đại học Fulbright Việt Nam, cùng các chuyên gia để xây dựng báo cáo.

Lãnh đạo VCCI nhận định: ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu… kinh tế của vùng càng trở nên trầm trọng bởi tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19...

Báo cáo kinh tế năm 2022: ĐBSCL tận dụng cơ hội, đảo ngược vòng xoáy đi xuống - Ảnh 3.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Trước những thách thức, khó khăn mà ĐBSCL đang phải đối mặt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều quan tâm và chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Gần đây nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 2 năm nay và công bố vào tháng 6/2022. Đây là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ… "Đây có thể nói là cơ hội và là nền tảng mới cho ĐBSCL định hình và có được mô hình phát triển mới", ông Phạm Tấn Công nói.

Người đứng đầu VCCI cho rằng, để hiện thực hóa các các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chủ trương chính sách, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL cần các bước đi cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp cận các định hướng, chiến lược phát triển đồng bộ.

"Từ báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Dưới góc độ địa phương, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, địa phương đã xác định, hệ thống logistics được xem là "xương sống" tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ĐBSCL. Do đó, TP. Cần Thơ đang triển khai hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistics của vùng với quy mô 242 ha, tạo diều kiện cho ngành nông nghiệp và chế biến nông thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực cho các ngành sản xuất.

"Cần Thơ cũng đang hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hướng tới hiện đại hoá ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL...", lãnh đạo TP. Cần Thơ cho hay.

Dưới góc độ quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, báo cáo này được đưa ra đúng lúc chính quyền các tỉnh ở ĐBSCL đang bắt đầu thiết kế các quy hoạch cấp tỉnh, sau quy hoạch tổng thể vùng của Chính phủ vào tháng trước.

Báo cáo cung cấp dữ liệu và thông tin phong phú và có giá trị cho các mục đích lập kế hoạch. Các tỉnh cần cùng hành động để đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trong đầu tư công, hậu cần, bảo tồn nguồn nước, kiểm soát lũ lụt và phát triển hệ thống sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần chia sẻ thông tin về nguy cơ xâm nhập mặn, hạn hán vào các quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ở các tiểu vùng sinh thái.

"Các thách thức về xã hội, kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu không thể giải quyết được riêng lẻ mà các địa phương phải cùng hành động", đại diện UNDP khuyến nghị.

Đại diện đối tác phát triển, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng. Đại diện WB ước tính từ nay đến năm 2030 cần ít nhất 57 tỷ USD để tài trợ cho các khoản đầu tư cần thiết cho khu vực được xác định trong quy hoạch tổng thể. Với nhu cầu tài chính khổng lồ này, nguồn vốn công chỉ có thể đáp ứng được 21%, còn 79% sẽ phải đến từ các nguồn khác và tài chính tư nhân phải là nguồn đóng góp chính.

"VCCI cần phát huy vai trò trở thành cầu nối quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu quan trọng và các tổ chức tư vấn, WB sẵn sàng tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn tài chính", bà Carolyn Turk nói.

Huy Thắng