In bài viết

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ: Thẳng thắn, thuyết phục

(Chinhphu.vn) - Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đánh giá, bản Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội rất ngắn gọn nhưng đầy đủ. Đặc biệt, báo cáo đã nêu rất thẳng thắn những tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế-xã hội.

29/07/2016 15:10
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận trong kết cấu của bản Báo cáo có nhiều điểm mới.

“Thứ nhất, dù là bản Báo cáo giữa năm nhưng do đích thân Thủ tướng trình bày, đây là điều tích cực. Thứ hai, so với Báo cáo Chính phủ đã gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khóa XIII thì chúng ta thấy Báo cáo hôm nay ngắn gọn hơn nhiều. Báo cáo gồm 11 trang thì phần thành tích rất tóm tắt (2 trang), còn lại toàn bộ dành để nêu những tồn tại và giải pháp. Thứ ba, trong phần giải pháp, Thủ tướng đã nhấn mạnh công tác truyền thông được đẩy lên làm nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này”, ông Kiên phân tích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận: “Báo cáo như tuyên ngôn của Chính phủ mới trong việc quản trị kinh tế và quản trị xã hội”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đóng góp 5 điểm bổ sung: Thứ nhất là việc ứng phó với thiên tai trong nông nghiệp, đây không phải là vấn đề ngẫu nhiên mà đã được dự báo từ trước. Chính phủ cần làm gì để ứng phó trong giai đoạn tới để không lặp lại việc phản ứng chậm như trước đây. Thứ hai, Chính phủ mới đang phải đối diện với trần nợ công, trong thời gian tới không nên chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ mà nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo phải sử dụng chính sách về tài khóa.

“Vấn đề thứ ba, tôi cho rằng Chính phủ phải tích cực cải cách, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Nhà nước để các đơn vị này thực sự là nguồn lực hỗ trợ cho Chính phủ trong các nguồn thu và cải cách nền kinh tế. Thứ tư, cần lưu tâm đến vấn đề môi trường, nếu Chính phủ không hỗ trợ thực sự thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, cụ thể là các sản phẩm của các doanh nghiệp ở những nơi gặp sự cố ô nhiễm môi trường sẽ rất khó tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Cuối cùng là giám sát Quốc hội, làm sao để việc giám sát này hỗ trợ xây dựng một Chính phủ minh bạch”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nêu vấn đề: “Nợ công tăng nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn không cao khiến cho áp lực huy động ngày càng lớn, áp lực nợ công lại cao. Giải pháp theo tôi vẫn là phải xây dựng thể chế chính sách tốt hơn”.

Đại biểu Lê Thanh Vân ví thể chế chính sách, pháp luật phải là “chiếc lưới” với các mắt lưới chặt chẽ đến mức không cho các vi phạm về nợ công lọt qua. “Thứ hai là yếu tố con người, phải tìm người có tâm huyết, trách nhiệm để điều hành quản lý nợ công. Chính phủ phải cam kết với Quốc hội, bộ trưởng cam kết với Thủ tướng, chủ tịch tỉnh cam kết với hội đồng nhân dân, với Chính phủ... như thế nào thì mới cho vay được”, ông Vân nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề xuất Chính phủ cần khẩn trương và thực sự vào cuộc với việc tái cấu trúc đầu tư. “Cái gì đầu tư hiệu quả thì đầu tư. Cần tăng cường giám sát, không chỉ Quốc hội mà phải đưa được nhân dân và báo chí vào giám sát cùng để có thể phát hiện được các vi phạm trong đầu tư công, sớm đưa ra công luận”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn TPHCM. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn TPHCM bình luận: “Chính phủ nhìn nhận rõ những hạn chế hiện nay với 9 khó khăn và 8 nhóm giải pháp rất phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành trong giai đoạn tới. Tôi tâm đắc với 3 vấn đề quan tâm trong thời gian tới là cải cách về thể chế, con người và tổ chức thực hiện. Theo tôi quan trọng nhất vẫn là con người”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng nêu ý kiến đối với báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014: “Tôi cảm thấy chưa có biện pháp quyết liệt trong việc xử lý các địa phương vượt chi. Cùng với đó, những hỗ trợ cho địa phương vượt thu cũng chưa rõ ràng nên không có động lực khuyến khích những địa phương này. Tôi nghĩ cần có cơ chế rõ ràng để các giải pháp thu ngân sách được đồng bộ hơn”.

Đại biểu Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý: “Theo tôi, cần tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ thì chúng ta mới tạo được nhiều cơ hội kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn không chỉ về vốn mà về pháp lý. Ví dụ: Các lĩnh vực giáo dục, y tế, xuất bản, truyền thông... còn rào cản kỹ thuật khiến các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn tiếp cận nhanh hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu Lê Quân cho rằng: “6 tháng vừa qua, số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn lớn nhưng theo tôi, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào hiệu quả khi đang trong quá trình điều chỉnh việc gỡ bỏ các giấy phép con. Cần đi sâu hơn nữa vào bản chất của vấn đề, đó là việc tái cấu trúc nền kinh tế, phải đo lường được tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp sẽ phải giảm bao nhiêu trong các khóa tới”.

Đỗ Hương