Ở nước ta, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ (theo kiểu báo chí phương Tây) xuất hiện là Gia Định báo, ra đời ở Sài Gòn ngày 16/9/1869.
Báo chí Hà Nội ra đời muộn hơn nhưng hoạt động báo chí đã xuất hiện ở Hà Nội vào những năm 1882-1883, khi rất nhiều phóng viên của các tờ báo lớn ở Pháp theo chân quân đội Pháp đánh chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ. Họ thuê các ngôi nhà tranh thấp lè tè, ẩm ướt quanh hồ Gươm để tác nghiệp. Bài vở viết xong phải gửi các tàu của quân đội hay các tàu buôn mang về Pháp.
![]() |
Báo Cờ Giải phóng |
Ngày 21/5/1905, tờ Đại Việt tân báo ra mắt bạn đọc, người chủ trương là E.Babut còn chủ bút là Hàn Thái Dương. Năm 1908, do bênh vực Phan Chu Trinh nên Đại Việt tân báo phải đóng cửa. Đến nay, người ta chỉ biết đến tờ báo này qua sách giới thiệu song vẫn có thể khẳng định Đại Việt tân báo là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội.
Trụ sở của Báo Hà Nội Mới hiện nay nguyên là tòa soạn của tờ Tương lai Bắc Kỳ. Báo này ra số đầu tiên tại Hà Nội ngày 13/12/1884 bằng tiếng Pháp.
Đến những năm 20 của thế kỷ XX, Hà Nội có khoảng 17 báo và tạp chí, trong đó có 5 tờ báo ngày gồm: Thực nghiệp Dân báo, Khai hóa Nhật báo, Hà thành Ngọ báo, Đông Pháp và Nông - Công - Thương.
Nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, Tổng bộ Hội Thanh niên đã bí mật xuất bản tờ Thanh niên ở nước ngoài rồi bí mật phát hành ở Hà Nội. Còn ở trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xuất bản tờ Búa liềm. Tổng Công hội Bắc Kỳ xuất bản tờ Lao động trên đất Hà Nội. Đó là những tờ báo đầu tiên của những người vô sản làm tiền đề cho các tờ Tranh đấu (sau là Cờ vô sản) do Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành.
Đầu năm 1931, Xứ ủy Bắc Kỳ xuất bản tờ Tiến lên. Thời kỳ đầu những năm 1930 còn có các tờ báo khác do những người cộng sản làm chủ bút. Tính đến tháng 6/1936, số lượng báo và tạp chí xuất bản ở Hà Nội đã tăng lên con số 84. Trong đó có cả những tờ dành riêng cho phụ nữ, thanh niên, thiếu niên.
Các báo và tạp chí phản ánh đa dạng đời sống người dân Hà Nội và toàn cõi Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, nghệ thuật, thể thao...
Tuy việc cấp phép khá dễ dàng song chế độ kiểm duyệt của chính quyền Pháp rất gắt gao, họ cắt bỏ những đoạn phê phán chính quyền ngay cả khi tờ báo chuẩn bị in (vì thế, có tờ báo không kịp thay bài đã in thêm dòng chữ “đoạn này phải cắt vì kiểm duyệt” hoặc họ để các dấu chấm từ các dòng bị cắt). Báo chí Hà Nội giai đoạn này góp phần vào làm cho từ ngữ sáng rõ hơn, phong phú hơn qua việc thay các từ có âm Hán bằng các từ thuần Việt, sử dụng dấu câu hợp lý hơn...
Khi Mặt trận Nhân dân Pháp thắng thế, Chính phủ Pháp do Thủ tướng L.Blum nắm quyền đã có những chính sách mới. Ngày 1/1/1935, Thống sứ Bắc Kỳ là Tholance (Tô- lăng- xơ) đã công bố bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí. Tuy nhiên, thay vì bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, chính quyền Pháp lại rất ngặt nghèo trong cấp phép và đọc rất kỹ các tờ báo đã xuất bản, nếu thấy động chạm đến chính quyền là tờ báo bị đóng cửa vô thời hạn.
Từ Cách mạng Tháng Tám đến ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (2/9/1945), một số tờ báo cách mạng in ở bên ngoài đã chuyển vào in trong nội thành, trong đó có Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt minh, Cờ Giải phóng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương...
Khi Pháp tái chiếm Hà Nội và Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chống trả quyết liệt đã rút khỏi Hà Nội tháng 2/1947 thì nhiều tờ báo cách mạng di chuyển lên chiến khu, một số tiếp tục ở lại nhưng rút vào in ấn và phát hành bí mật.
Thời kỳ Pháp tạm chiếm, báo chí ở Hà Nội ra đời như nấm sau mưa. Có tờ vừa ra vài số phải đóng cửa vì không có bạn đọc hoặc chủ báo không đủ tiền để duy trì.
![]() |
Báo Cứu quốc số ra ngày 20/11/1946 |
Mặt khác, Phòng Thông tin Pháp cũng quản lý chặt chẽ giấy in báo và ngừng cung cấp nếu tờ báo bị cho là “có vấn đề”. Dù bị cấm đưa tin liên quan đến chính quyền Pháp song không ít tờ báo khi đưa tin xe ô tô quân đội Pháp gây tai nạn cho dân thường vẫn “lách luật” bằng cách không viết rõ mà chỉ viết xe IC (tất cả xe của quân đội Pháp có biển bắt đầu bằng chữ IC) đã đâm chết người là bạn đọc hiểu ngay.
Có người liên quan đến báo nhưng lại không phải là phóng viên và cũng không phải là người của kháng chiến, đó là ông Nguyễn Mạnh Hà. Ông Hà học luật ở Pháp, lấy vợ “đầm”, mang quốc tịch Pháp nhưng ông sống ở Việt Nam. Đầu những năm 1950, ông mở hiệu sách ở Cửa Nam. Do yêu cầu của những người hoạt động bí mật, ông đặt mua đều đặn các báo lớn xuất bản ở Pháp và cứ vài ngày lại có người qua lấy để gửi lên chiến khu Việt Bắc giúp Chính phủ kháng chiến biết tình hình chính trị thế giới và nước Pháp.
Cũng thời kỳ này, quảng cáo trên nhiều tờ đã nhiều hơn. Ngoài chuyện quảng bá hàng hóa thì báo nhận đăng cả “phân ưu” (tin buồn) hay chúc mừng đám cưới... Nhiều tờ khá giả phô trương thương hiệu với bạn đọc bằng cách sắm ô tô đưa phóng viên đi lấy tin.
Không kể báo chí cách mạng với mục đích rõ ràng là đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập dân tộc, cứu Việt Nam khỏi ách nô lệ thì báo chí Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX có nhiều khuynh hướng: thân Pháp, khuynh hướng thân kháng chiến, khuynh hướng bảo tồn văn hóa Việt...
Nhưng dù khuynh hướng khác nhau nhưng xu thế nổi bật của báo chí Hà Nội (tính đến năm 1954) là đề cao tinh thần dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các bài viết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật... Cho dù bị kiểm duyệt gắt gao, nhiều cây bút vẫn tìm nhiều cách để phản ánh: người Việt dù ở đâu, làm gì cũng đều là con Lạc, cháu Hồng và phải có trách nhiệm để cho Việt Nam phát triển.
Thùy Linh (nguồn: HNM)