In bài viết

Báo chí nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh

(Chinhphu.vn) – Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội bên cạnh sự chấp nhận cạnh tranh bằng những giá trị cốt lõi, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thế giới hiện nay, hợp tác là cách tốt nhất.

12/11/2024 14:21
Báo chí nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Tư lệnh ngành TT&TT, đa số các cơ quan báo chí hiện nay đều có tài khoản và trang trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả. Chúng ta muốn cạnh tranh với mạng xã hội để có nhiều độc giả, những độc giả chất lượng hơn để tăng quảng cáo, nguồn thu, chúng ta phải làm khác mạng xã hội.

Hiện nay, vấn đề báo chí hợp tác với mạng xã hội có 2 nội dung. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có ý kiến hiện đang đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên mạng xã hội trước, thay vì chỉ được phép sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính.

Thứ hai, trong Nghị định 147 mới đây có quy định, các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với các cơ quan báo chí.

"Chúng ta nên coi mạng xã hội là một đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh, đây là hướng rất tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Việt Nam đã cấp phép cho gần 1.000 mạng xã hội, trong đó có khoảng 20 mạng lớn với số lượng người dùng tương đương hoặc cao hơn các nền tảng lớn như Facebook, TikTok.

Báo chí nên coi mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh- Ảnh 2.

Phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 12/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phát triển 38 nền tảng số quốc gia khác, nhằm chủ động trong quá trình chuyển đổi số và có sức đàm phán tốt hơn với các mạng xã hội nước ngoài.

"Muốn bền vững, muốn chuyển đổi số bắt buộc chúng ta phải làm chủ công nghệ, bắt buộc chúng ta phải làm chủ các nền tảng, không có con đường nào khác và người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các ứng dụng và tự làm chủ ứng dụng để chuyển sang làm chủ công nghệ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, nhiều năm nay, báo chí vốn dĩ có vũ khí chính là trang giấy, cây bút, đến thời công nghệ số thì công nghệ số lại trở thành vũ khí chính và chúng ta chưa quen với công nghệ. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh công cuộc số hóa, chuyển đổi số các cơ quan báo chí.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Báo chí lần đầu tiên có một chiến lược về chuyển đổi số. Bộ TT&TTcũng ban hành một chương trình để thực hiện chiến lược này. Trong đó, có một việc rất quan trọng là đưa ra các tiêu chí đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành của các cơ quan báo chí, để tự các cơ quan báo chí có thể biết mình đang đứng ở đâu.

Bộ cũng thành lập một trung tâm trực thuộc Cục Báo chí hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Sắp tới, mỗi quý, Cục Báo chí sẽ có tài liệu cung cấp các thông tin về các kinh nghiệm hay, cách làm hay trong chuyển đổi số các cơ quan báo chí; tổ chức các đoàn đến tham quan một số cơ quan báo chí đã chuyển đổi số tốt.

Về nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nếu không đủ, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị có thể thuê bên ngoài, nhất là đối với những cơ quan báo chí nhỏ. Những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực, có thể tự làm nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê, vì chi phí nhỏ hơn và không cần người để vận hành các hệ thống.

Hiện, Bộ TT&TT cũng đang phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí. 

Khắc phục tình trạng cơ quan báo chí có dấu hiệu trục lợi?

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt.

Tuy nhiên, so với 21 nghìn người làm báo có thẻ và gần 45 nghìn người làm báo, Bộ trưởng cho rằng, đây là những "con sâu làm rầu nồi canh", 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các Bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình. 

Đưa ra cách xử lý tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ TT&TT công bố tiêu chí để nhận dạng "thế nào là báo hóa tạp chí" và đăng công khai trên các trang tin, mạng xã hội để toàn xã hội giám sát.

Đồng thời, dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không. Bộ cũng sẽ công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin của Bộ để bất kỳ tổ chức, địa phương nào cũng có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích.

"Nếu không đúng chức năng hoạt động thì các đơn vị có quyền từ chối, nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo. Bộ TT&TT sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị này nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, mới đây, Bộ TT&TT có quy định, sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, về lâu dài, vẫn phải thực hiện kinh tế báo chí. Cơ quan chủ quản phải đủ năng lực, đủ nguồn lực để hỗ trợ một phần cơ quan báo chí, khi đó mới thành lập cơ quan báo chí.

HM