Ngay từ rất sớm, bám sát các kế hoạch, phương án của Công an thành phố Hà Nội, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triển khai nhiều nội dung mang tính chuyên môn cao.
Cụ thể, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, những điểm thi đấu quan trọng, tại các khách sạn lớn, khu vực lưu trú của các đoàn khách quốc tế đều thường trực lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và phương tiện phối hợp cùng các lực lượng khác làm nhiệm vụ
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, đơn vị đã xây dựng các tình huống xảy ra sự cố tại các điểm thi đấu, nơi lưu trú và biện pháp giải quyết của các lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện công tác phòng ngừa, chuẩn bị các điều kiện lực lượng, phương tiện thường trực tại chỗ sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ khi mới phát sinh; bố trí lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ tại các điểm thi đấu, điểm lưu trú của các đoàn đại biểu, vận động viên, trong đó bố trí 1 xe chữa cháy thường trực tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Đặc biệt, tại lễ khai mạc, bế mạc và trận thi đấu tranh giải Ba, chung kết môn bóng đá nam diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ tăng cường phương tiện và lực lượng bảo vệ nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn và chủ động ứng phó với các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố) cũng đã tăng cường bố trí lực lượng, triển khai các biện pháp đồng bộ, góp phần bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện, hoạt động thi đấu trong thời gian diễn ra SEA Games 31 trên địa bàn Thủ đô.
SEA Games 31 khai mạc ngày 12/5 và bế mạc ngày 23/5, gồm 40 môn thi đấu với 526 nội dung, diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận. Trong đó, thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức thi đấu 18 môn tại 16 địa điểm.
Tâm Anh