In bài viết

Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh: Cần nhiều hơn nữa cách làm sáng tạo, thực chất

(Chinhphu.vn) - Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trì Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh.

02/11/2023 18:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh: Cần nhiều hơn nữa cách làm sáng tạo, thực chất - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm ATGT cho học sinh - Ảnh: VGP/Hải Minh

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố, UBND cấp huyện, cấp xã trên cả nước.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người.

Tỷ lệ TNGT xảy ra từ khoảng thời gian 18-24h, chiếm tỉ lệ cao nhất, chiếm 40,25%; từ 12-18h chiếm 31,61%; từ 6-12h chiếm 21,97%, và từ 0-6h chiếm 6,15%.

TNGT ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân, gồm đi không đúng phần đường, làn đường quy định (chiếm 21,41%); không chú ý quan sát (19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (11,77%); tránh, vượt không đúng quy định (7,06%); không nhường đường (4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (3,36%); sử dụng rượu bia (2,69%); không chấp hành biển báo đường bộ (3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (3,14%).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, trong 10 địa phương có tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, có 8 địa phương là các tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TPHCM, Tiền Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, và Bến Tre.

Để hạn chế tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, nhiều địa phương đã có những mô hình rất sáng tạo gắn liền với việc tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo đảm việc triển khai các mô hình một cách thực chất nhất.

Đơn cử, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ngoài mô hình cổng trường ATGT, thành phố tổ chức các tổ đi kiểm tra đột xuất nhà để xe của học sinh tại các trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em học sinh sử dụng phương tiện không đúng quy định.

Còn tại tỉnh Gia Lai, tỉnh đã phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á thực hiên dự án "Giảm tốc độ - Trường học an toàn" tại thành phố Pleiku.

Dự án có tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng tập trung cải tạo khu vực cổng của 33 trường học; làm gờ giảm tốc độ; cắm biển hạn chế tốc độ 40 km/h trong thời gian đưa, đón học sinh; giúp phụ huynh và học sinh tiếp cận giáo trình điện tử về ATGT.

Qua 5 năm thực hiện (2018-2023), thành phố Pleiku đã trở thành điển hình trong việc cải thiện ATGT đường bộ cho trẻ em đến trường khi không để xảy ra vụ TNGT nào, va chạm giao thông giảm từ 19% xuống còn 2%.

Tỉnh Gia Lai cũng đã huy động xe bus, xe hợp đồng đưa đón học sinh đi học. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, toàn tỉnh mới có 111 xe, trong đó đa phần là xe cũ.

Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh: Cần nhiều hơn nữa cách làm sáng tạo, thực chất - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng mong muốn mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm, hướng ứng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về ATGT, bởi đây là nội dung rất sát sườn với mọi người, mọi nhà - Ảnh: VGP/Hải Minh

Cần tính đến việc đưa học sinh tới trường bằng phương tiện công cộng

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh báo cáo của Bộ Công an cho thấy, TNGT phần lớn liên quan đến phương tiện cá nhân và ý thức của học sinh. Vì vậy nhà trường cần có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em học sinh, trong khi đó gia đình và xã hội cũng đều có vai trò quan trọng vì nếu gia đình và xã hội chấp hành tốt quy định về ATGT thì sẽ hạn chế đáng kể vi phạm của các em học sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý, chính quyền địa phương cần tính đến việc đưa học sinh đến trường bằng phương tiện công cộng, nhất là ở các thành phố lớn, đồng thời xử lý nghiêm phụ huynh cho con em tự đi xe máy đến trường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, học sinh cần sự quan tâm của toàn xã hội vì đây là đối tượng ưu tiên, đòi hỏi phải có những biện pháp để bảo đảm an toàn hơn nữa cho học sinh, trong đó có việc phát huy vai trò của đoàn-đội, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tổ chức tốt giao thông từ cổng trường, nhất là những trường học được xây dựng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Bộ đang tập trung rà soát để loại khỏi môi trường mạng những thông tin xấu độc trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ATGT.

Tại TPHCM, lực lượng công an có phương án, kế hoạch để phát hiện, ngăn chặn từ sớm việc tổ chức đua xe trái phép; kiểm tra tiệm sửa, chữa xe để phòng ngừa sớm việc độ chế xe cho quái xế.

Các cơ quan Trung ương và địa phương kiến nghị cần có hệ thống quy định của riêng của pháp luật về phương tiện đưa đón học sinh theo kinh nghiệm của nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ; có chính sách miễn giảm thuế đối với xe phục vụ đưa đón học sinh; tăng hình phạt có tính đến yếu tố vùng miền; và có thể tính toán thí điểm việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học sinh.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cả nước.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao những mô hình, cách làm hay của Bắc Ninh, Gia Lai, và TPHCM, không chỉ mang lại những kết quả tích cực bước đầu tích cực, mà còn thể hiện rất rõ sự nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, vốn vẫn là khâu yếu nhất; đồng thời đề nghị các địa phương nhân rộng các mô hình này và chia sẻ với các địa phương khác trên cả nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, và tuyệt đối không được chủ quan.

Các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đưa nội dung ATGT cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm ATGT cho học sinh.

Cùng với việc ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng, cần có những nội dung tuyên truyền mang tính định hướng thuyết phục để dần hình thành nên ý thức, văn hóa cho mọi người khi tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm, hướng ứng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về ATGT, bởi đây là nội dung rất sát sườn với mọi người, mọi nhà.

Hải Minh