In bài viết

Bảo đảm an toàn phòng dịch khi mua sắm hàng hóa

(Chinhphu.vn) - Sáng18/7, Đoàn công tác của UBND TPHCM do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu, cùng với Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương đi kiểm tra việc cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn.

18/07/2021 12:49
Đoàm công tác kiểm tra 1 quầy bán thực phẩm tươi sống. Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại chợ Bình Thới (Quận 11), đoàn công tác được Ban Quản lý chợ giới thiệu về việc người dân dùng thẻ đi chợ với mã QR Code có đầy đủ thông tin gồm họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại… dễ dàng khi cần truy vết; trong khi các sạp bán hàng được dựng vách ngăn để đảm bảo khoảng cách với khách hàng.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết hiện nay chợ có 80 hộ kinh doanh và chỉ hoạt động bốn khung giờ từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Trong đó 4 giờ sáng dành cho tiểu thương dọn hàng hóa, bắt đầu từ 5 giờ đến 11 giờ dành cho khách đi chợ. Từ 11 giờ  đến 12 giờ trưa là thời gian bà con tiểu thương dọn nghỉ. 14 giờ đến 15 giờ chợ tiến hành khử khuẩn toàn bộ để đảm bảo cho an toàn cho ngày kinh doanh tiếp theo.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và đoàn công tác đề nghị chợ Bình Thới tăng cường máy quạt để thông thoáng hơn; 4-5 ngày lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các tiểu thương và hạn chế số người vào chợ cùng lúc, bảo đảm giãn cách.

Tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho bà con khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16, chợ vừa mở ngày hôm qua (17/7) theo mô hình giãn cách và chỉ có các hộ kinh doanh rau củ quả, thịt, trứng gia cầm đăng kí bán.

Theo bà Hạnh, trước khi triển khai mô hình chợ giãn cách, thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố, UBND quận đã lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương 2 lần với 124 mẫu đều âm tính. Sáng 17/7 tiếp tục lấy 37 mẫu cho tiểu thương và những nhóm người đến chợ thường xuyên, đều cho kết quả âm tính.

Trong chuyến kiểm tra, đoàn công tác luôn nhắc nhở bà con giữ gìn khoảng cách đảm bảo an toàn trong việc nhận hàng hóa.

Báo cáo nhanh với Chủ tịch UBND TPHCM và Tổ công tác tiền phương, Sở Công Thương TPHCM cho biết tính đến thời điểm hiện nay trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Các chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện phòng, chống dịch.

Theo Sở Công Thương TPHCM, nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cử hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, Thành phố sẽ cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn.

Lê Anh