In bài viết

Bảo đảm áp dụng trực tiếp Hiến pháp trong đời sống

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang nghiên cứu để các quy định của Hiến pháp có thể áp dụng trực tiếp trong cuộc sống.

23/01/2013 14:40

Phó Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc - Ảnh: VGP/Thành Chung

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết các quy định của Hiến pháp áp dụng trực tiếp trong cuộc sống có nghĩa là người dân có quyền trực tiếp viện dẫn Hiến pháp trước các cơ quan Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Trên thế giới, nhiều nước đã làm việc này.

“Nếu ta cứ quan niệm rằng quy định của Hiến pháp phải chờ luật và các văn bản dưới luật hướng dẫn thì ý nghĩa Hiến pháp giảm đi nhiều. Lần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp rất cố gắng để các quy định có giá trị áp dụng trực tiếp, qua đó, người dân có thể cảm thấy Hiến pháp gần gũi với đời sống”, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Thạc sỹ Nguyễn Linh Giang, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu về quyền con người (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với xu hướng khi cần,các  tổ chức, cá nhân có thể viện dẫn Hiến pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo bà Nguyễn Linh Giang, từ trước tới nay ở nước ta chưa có tiền lệ cho việc này nhưng nhiều quốc gia khác đã thực hiện từ lâu.

Bà Nguyễn Linh Giang cũng góp ý Hiến pháp sửa đổi cần quy định một điều (nằm trong phần quy định của Chương II Dự thảo sửa đổi Hiến pháp) về quyền viện dẫn Hiến pháp để người dân có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình cũng như khẳng định giá trị của bản Hiến pháp.

Bà Nguyễn Linh Giang phân tích quy định như thế sẽ bảo đảm cho người dân thực hiện được các quyền của mình trên thực tế, nhưng đồng thời để Nhà nước thấy được nghĩa vụ của mình là nhanh chóng ra các đạo luật để thực hiện quyền của con người, quyền của công dân. Nếu không có luật thì người dân vẫn có thể thực hiện được các quyền của mình trong Hiến pháp nhưng có thể gây ra một số những khó khăn cho Nhà nước khi quản lý.

Tuy nhiên về phía công dân, khi đã có cơ chế viện dẫn Hiến pháp để bảo vệ quyền của mình thì không thể nào lạm quyền và phải biết tiết chế, sử dụng quyền này trong khuôn khổ cho phép, tôn trọng đạo đức xã hội và có nghĩa vụ với Nhà nước.

Chung quan điểm, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận xét lần sửa đổi này có một ý nghĩa lớn trong tư duy về Hiến pháp, xem Hiến pháp là đạo luật cơ bản, tức là tất cả các quy định đều có giá trị pháp lý và buộc phải thực hiện.

Theo ông Liên, trước đây nhiều điều trong Hiến pháp còn mang tính tuyên ngôn, nguyện vọng, do đó, khi người dân góp ý thì không nên cho đây là việc của chuyên gia. Hiến pháp là đạo luật gốc quyết định các quyết sách lớn của quốc gia nên ai cũng có thể đóng góp. Còn từ chính sách đó được biến thành các điều luật thì là nhiệm vụ của các nhà làm luật.

“Tôi tin với cách thức tổ chức của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp huy động toàn bộ lực lượng xã hội, trong đó có vai trò rất lớn của truyền thông, thì chúng ta có đợt lấy kiến hết sức thiết thực, tránh tính hình thức để nâng chất lượng Hiến pháp theo hướng phù hợp hơn với nguyện vọng của nhân dân, điều kiện của đất nước ta”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá với điểm mới nói trên, Hiến pháp sẽ thu hút được sự quan tâm thực chất từ phía nhân dân. Bên cạnh đó, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng cam kết tổ chức lấy ý kiến sâu rộng, lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến để đảm bảo Hiến pháp sửa đổi phản ánh được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Thành Chung