Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ phát triển sản xuất |
Theo dự thảo, nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; công khai, minh bạch trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phân bổ và giao vốn nguồn ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương và UBND cấp tỉnh đảm bảo tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp tiến độ thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phân bổ vốn ngân sách Nhà nước tại địa phương thực hiện theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động đầu tư, bảo trì công trình xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất được quy định tại Chương IV, Chương V Nghị định này.
Vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nguồn ngân sách Nhà nước được sử dụng để thực hiện nội dung, hoạt động, dự án đầu tư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ, hoạt động, đề án đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của cấp có thẩm quyền; xây dựng và duy trì hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện hoạt động giám sát, đánh giá, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia để chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Giám sát của cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia
Các chương trình mục tiêu quốc gia chịu sự giám sát của cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát cộng đồng đối với chương trình mục tiêu quốc gia.
Nội dung giám sát cộng đồng, gồm: Việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước; việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, tiến độ thực hiện các nội dung, hoạt động và nhiệm vụ từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Giám sát, phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của chương trình. Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng người dân về quá trình triển khai, tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Lan Phương