In bài viết

Bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm

(Chinhphu.vn) - Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định.

23/11/2024 11:38

Từ đó, xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành tại Luật số 69/2014/QH13, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết.

Về đối tượng áp dung khi xây dựng chính sách đã xác định "Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác" là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ.

Trong quá trình nghiên cứu cụ thể khi xây dựng dự thảo Luật, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm: Bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, trong đó Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm (theo số quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng) và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.

Đối với cơ chế chi tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại doanh nghiệp, người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp khi đề xuất xây dựng Luật xác định bổ sung nội dung chi này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tiếp thu ý kiến tham gia, Chính phủ đề xuất không quy định các nội dung về cơ chế chi trả tiền lương tại dự thảo Luật và quy định tại điểm 15 Điều 12 "Doanh nghiệp được chi trả tiền lương, tiền công, thù lao cho người lao động theo hiệu quả và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".

Bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (TCNS) Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật

Bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường

Thẩm tra về dự thảo luật, về vấn đề phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Uỷ ban nhận thấy, quy định của dự thảo Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Để hoàn thiện Dự thảo Luật, Uỷ ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật để thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, nguyên tắc nêu trên.

Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, đa số ý kiến tán thành với quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; tách bạch, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số nội dung tại dự thảo Luật cần được tiếp tục sửa đổi để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Uỷ ban TCNS nhận thấy, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định về DNNN của Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Do vậy, đề nghị cần xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước để có các quy định có tính nguyên tắc trong Dự thảo Luật và đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước này với biện pháp, mức độ quản lý phù hợp. 

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, Uỷ ban TCNS nhận thấy, trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước đầu tư là phù hợp.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về mục đích sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp theo hướng sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo Luật; song, đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng Quỹ, đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.

Hải Giang