Tuy nhiên, bộ phận kế toán không thu trực tiếp mà hướng dẫn nhà thầu chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư, do đó dẫn đến bảo đảm dự thầu thực hiện sau thời điểm đóng thầu (theo chứng từ giao dịch của ngân hàng).
Theo Điều 11, Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 thì "Nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu đối với hồ sơ dự thầu...". Bà Hiếu hỏi: Trường hợp này thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu có được xem là hợp lệ hay không?
Nếu không hợp lệ thì chỉ còn lại 1 hồ sơ dự thầu, vậy xử lý tình huống theo điểm a, khoản 4, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu thì có phù hợp hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Theo khoản 1, khoản 31, Điều 4; khoản 2, Điều 11 Luật Đấu thầu quy định bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ dự thầu (bao gồm cả bảo đảm dự thầu) là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập và nộp cho bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Theo đó, bảo đảm dự thầu là một phần không tách rời của hồ sơ dự thầu, phải được nộp trước thời điểm đóng thầu.
Đối với tình huống đã đề cập, trường hợp không nhận được tiền bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu là do lỗi của bên mời thầu (bộ phận kế toán), bên mời thầu cần xem xét các bằng chứng việc nộp tiền của nhà thầu (chẳng hạn như tài liệu, văn bản chứng minh nhà thầu đã mang tiền mặt đến nộp cho bên mời thầu nhưng bộ phận kế toán không thu trực tiếp mà yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản của chủ đầu tư) để đưa ra quyết định.
Nếu nhà thầu có bằng chứng hợp lệ của việc nộp tiền bảo đảm dự thầu (bằng tiền mặt) trước thời điểm đóng thầu thì bên mời thầu cần tiếp tục xem xét, đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu này.
Chinhphu.vn