Ảnh minh họa |
Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường hoặc vào các ngành của trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai điều kiện xét tuyển bổ sung (chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, thời gian nhập học;...) để thí sinh biết và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Xét tuyển bình đẳng như nhau, không phân biệt thí sinh đã dự thi tại trường nào
Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, tất cả thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hợp lệ, đầy đủ thủ tục, đúng quy định và bảo đảm các điều kiện của trường đã công bố, kể cả trường thí sinh đã dự thi, đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, trên nguyên tắc lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển, không phân biệt thí sinh đó đã dự thi tại trường nào.
Thí sinh không trúng tuyển vào trường đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp, các trường tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Lệ phí đăng ký xét tuyển đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Bộ cũng nhấn mạnh quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 không quy định cứng 3 đợt xét tuyển ứng với 3 nguyện vọng (1, 2 và 3); không quy định thời gian mỗi đợt xét tuyển; không qui định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau phải cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng trước... như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 trở về trước. Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và quyền lợi của thí sinh.
Đặc biệt, các trường không được quy định chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã dự thi vào trường mình, không được đặt ra những qui định trái với Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Thùy Trang