Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, dự thảo Báo cáo khẳng định, cử tri và nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng tập trung ý kiến vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tếxã hội trong đó bao gồm các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; giáo dục và đào tạo, y tế; quản lý đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu; an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác đối ngoại…
Theo ông Hầu A Lềnh, từ sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 10 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội.
Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên UBTVQH, các đại biểu tham dự cơ bản tán thành với những nội dung dự thảo Báo cáo đã đề cập; cho rằng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã rất chủ động tích cực tập hợp ý kiến của cử tri, nhân dân để gửi tới kỳ họp lần thứ 9.
Ghi nhận những nội dung mà dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đề cập, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, những tác động của dịch bệnh COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long là những vấn đề có tác động lớn tới đời sống của nhân dân.
Chính vì vậy, báo cáo cần thể hiện rõ hơn nữa những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ và đời sống nhân dân. Đặc biệt, cần đề cập tới những ý kiến, kiến nghị của những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp để giúp Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp cụ thể trong quá trình phục hồi kinh tế thời gian tới.
Bên cạnh đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, báo cáo cần làm nổi bật hơn nữa sự đồng thuận, sự chung tay ủng hộ của nhân dân khi đất nước đứng trước đại dịch. Đặc biệt là phải toát lên được lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
“Tinh thần yêu nước và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc là điều gần 100 triệu người dân Việt Nam cảm nhận rõ nhất trong những ngày đất nước gặp khó khăn. Những cây ATM gạo, những hoạt động nhường cơm xẻ áo với khẩu hiệu ‘Ai thiếu đến lấy - Ai thừa ủng hộ’, hay hình ảnh Việt Nam bảo hộ công dân ở nước ngoài về nước… đã thực sự lay động lòng người và được bạn bè thế giới ghi nhận, đánh giá cao”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình kỳ họp thứ 9 tới đây của Quốc hội theo quy định.
Cơ bản tán thành với nội dung các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, UBTVQH đề nghị, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục rà soát để đánh giá kỹ hơn các nội dung để bảo đảm tập hợp đầy đủ sâu sắc hơn những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đặc biệt trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19, nhất là những vấn đề bức thiết như giá cả thực phẩm, việc xuất khẩu hàng hóa, tình trạng thất nghiệp, vấn đề xâm nhập mặn, đời sống của người dân nhất là người nghèo, vấn đề hoạt động của các doanh nghiệp.
Đối với các nhóm kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBTVQH đề nghị, cần rà soát một số kiến nghị để bám sát thực tế, chặt chẽ cập nhật thông tin kịp thời; nghiên cứu có những đề xuất cụ thể hơn. Đặc biệt cần nghiên cứu, phân loại làm rõ những kiến nghị nào đã được nêu nhiều lần cần phải có lộ trình, thời hạn để giải quyết dứt điểm không kéo dài như vấn đề khai thác cát sỏi trái phép, chặt phá rừng, vấn đề đất đai…
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý chân thành, sâu sắc của UBTVQH vào dự thảo báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khẳng định trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ hoàn thiện báo cáo này để gửi tới Quốc hội.
Nguyễn Hoàng