Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận |
Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp nhận định trong năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản về chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để kịp thời đáp ứng công tác quản lý điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN. Cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.
Tuy nhiên hiện nay, một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi...
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra rất đầy đủ, trách nhiệm của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong thực hiện hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.
Nêu rõ, đây là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, có vai trò rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quản lý Quỹ, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ BHXH. Cần nắm rõ nguyên tắc của quỹ là đóng-hưởng; không dùng kết dư của các quỹ này vào các mục đích khác, không đúng bản chất; làm rõ và cụ thể thông tin, số liệu chi tiết trong báo cáo;…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải tăng cường hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong quản lý Quỹ; về thu chi BHXH phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ, đồng thời, cần khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật BHXH; đề xuất sửa đổi luật để sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu và cơ quan chủ trì thẩm tra nêu để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Nội dung báo cáo phải đầy đủ theo đề cương báo cáo do Ủy ban Xã hội yêu cầu, các thông tin, dữ liệu phải nhất quán, giải thích rõ, có phân tích đánh giá với các chỉ tiêu cụ thể để bảo đảm thống nhất giữa các cơ quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cần lưu ý một số nội dung như: Tình hình nợ, chậm đóng bảo BHXH; nghiên cứu rà soát, đánh giá đầy đủ, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là đối với các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách Nhà nước để có đề xuất giải pháp phù hợp giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; việc thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh và đổi mới phương thức hơn nữa, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; ….
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu về tránh chi sai, thất thoát quỹ; tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý quỹ. Về thu chi bảo hiểm xã hội phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ. Khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành luật bảo hiểm xã hội trong đó có sự kết nối thông tin chặt chẽ với quá trình quản lý Quỹ BHXH để sớm trình đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.
Nguyễn Hoàng