Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (CECR) cho biết, trong số 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 quận trung tâm Hà Nội được điều tra, lấy mẫu thử, chỉ có 6 hồ (chiếm tỷ lệ 5%), đạt yêu cầu chất lượng ở tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu, phần lớn các ao, hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ ôxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Theo CECR, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Ngoài ra, hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ... cũng làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ đang dần "xóa sổ". Hàng ngày, ở khu vực Hà Nội khoảng 600.000 m3 lượng nước thải sinh hoạt, với khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông và 10% trong khoảng 260.000 m3 ở các KCN được xử lý còn lại đều không được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất như các lò mổ và bệnh viện mỗi ngày có khoảng 7.000 m3 nước thải (chỉ có 30% là được xử lý). Phần lớn các cơ sở này không được trang bị hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu xả thẳng ra sông, hồ. Do đó đã làm mức độ ô nhiễm các sông, hồ ở Hà Nội ngày một tăng cao. Hậu quả chung của tình trạng này là số người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư ngày càng tăng lên, tỷ lệ tử vong cao. Đây là lời cảnh báo cấp thiết đối với các cơ quan nghiên cứu, quản lý trong việc đi tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm nước ở Hà Nội.
Được biết, từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai Dự án Xử lý ô nhiễm nước hồ bằng phương pháp thủy sinh do Trung tâm Công nghệ, Môi trường và Phát triển cộng đồng (TEC), Viện Văn hóa Nhật Bản (ICA) phối hợp thực hiện. Khảo sát, lấy mẫu nước hồ Thành Công, đánh giá chất lượng và đã chọn được loại cây thích hợp trồng trên nước, đáp ứng yêu cầu xử lý môi trường... Các cây này được trồng trong các làn nhựa, ghép thành bè mảng bằng khung nhôm không rỉ, được chế tạo tại Nhật Bản, thiết kế phù hợp, bảo đảm mỹ quan cho mặt hồ. Cho đến nay sau 2 năm thực hiện đã bước đầu có những tín hiệu tích cực và đang được nhân rộng tại một số hồ tại Thủ đô...
Đầu năm 2011, báo cáo của các chuyên gia quốc tế về nguồn nước ngầm ở khu vực đồng bằng sông Hồng công bố những con số đáng ngại bởi mức độ ô nhiễm khoáng chất rất cao trong khi rất nhiều người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện đang sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, cho tới năm 2025, khoảng 52 triệu người (50% dân số) sẽ sống tại các thành phố đồng nghĩa với việc đè nặng áp lực lên đơn vị cung cấp nước sạch cho cư dân đô thị...
Nếu không có sự quan tâm và triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các sông, hồ một cách quyết liệt, hậu quả sẽ vô cùng nguy hại. Đã đến lúc các ngành hữu quan của Hà Nội cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sông, hồ để bảo vệ cuộc sống cho người dân và cũng chính là bảo vệ nguồn nước cho đô thị.
Bông Bông