In bài viết

Báo động tình trạng biển "ăn" đất liền

Biển ngày càng “lấn” sâu vào nhà người dân ở ven biển xã Đức Lợi.

23/04/2011 22:11
Những ngày qua, nhiều người dân ở xã ven biển Đức Lợi (Mộ Đức, Quảng Ngãi) lo lắng vì sợ xảy ra sóng thần giống như ở Nhật Bản. Sở dĩ họ lo lắng một phần vì tin đồn và phần vì chứng kiến thực tế biển xâm thực vào đất liền trên địa bàn xã ngày càng diễn biến phức tạp. Không chỉ ở Quảng Ngãi, mà ở nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... chính quyền địa phương và người dân cũng đang loay hoay giải bài toán biển "ăn" đất liền.Và mới đây, thông tin biển đang "gặm" dần Mũi Cà Mau. Tình trạng đã đến mức báo động khiến có những lo ngại mũi đất tận cùng của cực Nam Tổ quốc sẽ biến mất...
Thông thường mọi năm ở Quảng Ngãi hiện tượng biển xâm thực chỉ diễn ra vào mưa mưa bão, nay lại diễn ra vào cả những ngày nắng nóng, khiến chính quyền và người dân địa phương rất lo lắng. Tính đến nay tổng diện tích đất ở xã Đức Lợi bị biển xâm thực khoảng 9ha, chủ yếu ở cuối thôn An Chuẩn đến thôn Kỳ Tân. Điều báo động là chỉ tính riêng trong mùa nắng của năm 2010 (từ tháng 3 đến tháng 6) triều cường đã "ngoạm" của xã Đức Lợi khoảng 7ha đất. Xã ven biển Đức Lợi hiện tại vẫn đang tiếp tục bị triều cường xâm thực nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng tình trạng xâm thực của triều cường, gây sạt lở nghiêm trọng ở xã Đức Lợi là do ảnh hưởng từ việc khai thác cát nhiễm mặn trước đó của Công ty cổ phần Saphia quốc tế ở khu vực Cửa Lở. Ông Lê Minh Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: "Hiện xã chưa dám khẳng định tình trạng triều cường xâm thực ngày càng nghiêm trọng có phải là do hoạt động khai thác cát của Công ty Saphia gây nên hay không. Nhưng tình trạng triều cường xâm thực khiến cho chính quyền và người dân địa phương rất lo ngại. Đề nghị chính quyền cấp trên thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tác động của triều cường xâm thực ở Đức Lợi, để sớm đề ra giải pháp, giúp người dân ổn định cuộc sống".
Trước đây ở xã Đức Lợi có khoảng 20ha rừng cây phòng hộ ven biển. Nhưng hiện tại ven biển xã Đức Lợi không còn rừng phòng hộ, do biển xâm thực. Nhà ở của cư dân ven biển Đức Lợi trước đây cách biển từ hơn 400m, thì nay lại ở sát biển. Hàng trăm hộ dân ở dọc ven biển xã Đức Lợi ngày đêm đang sống trong nơm nớp lo sợ vì "biển ngoạm đất liền".
Xâm thực do nạn khai thác cát ồ ạt
Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm gần đây, nhiều bãi tắm, khu du lịch đã và đang bị biển xâm thực. Nguyên nhân là do các hoạt động hút cát ở các cửa sông, cửa biển đang xảy ra ồ ạt. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh BR-VT, tuyến ven biển từ Mũi Nghinh Phong (TP.Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có sáu khu vực bờ biển, cửa sông bị xói lở và bồi đắp mạnh. Đó là các bãi tắm Thùy Vân, bãi tắm Paradise, cửa Lấp, cửa Lộc An, Hồ Tràm và Bình Châu. Trong khoảng 10 năm qua, hiện tượng xâm thực bờ biển tại Lộc An (thuộc huyện Xuyên Mộc) đã làm biến mất toàn bộ giồng cát có chiều cao trên 10m, rộng trên 50m và phần lớn bãi cát phía Nam Lộc An. Và mới đây nhất là toàn bộ giồng cát ở cửa sông Ray (huyện Xuyên Mộc), cao khoảng 5m, dài khoảng 400m, đã bị biển “nuốt chửng”.
Trước đây tình trạng xói lở diễn ra với tốc độ rất chậm, mỗi năm biển chỉ xâm thực từ 1 - 2m nhưng vài năm gần đây hiện tượng này đã trở nên rất nguy hiểm bởi có tác động của con người. Chính sự “góp sức” của các ghe hút cát trên các tuyến sông Cửa Lấp và khu vực cửa biển Lộc An đã khiến cho tốc độ xói lở ngày càng nhanh. Được biết, từ tháng 7-2005, đề án chống xói lở biển bằng công nghệ Stabiplage của Pháp đã được tỉnh BR-VT thí điểm tại cửa biển Lộc An với mục tiêu chống xói lở bờ biển trên chiều dài 500m, nhằm bảo vệ khu đầm phá bên trong, khu vực dân cư, khu du lịch, con đường ven biển ... Qua thử nghiệm cho thấy, công nghệ này bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, do giá thành của công nghệ này cao nên chưa được áp dụng rộng rãi tại các khu vực biển tương tự. Trong khi chờ có kinh phí để thực hiện công nghệ trên, để bảo vệ biển, thiết nghĩ trước mắt tỉnh BR-VT cần có quyết định cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển (khu vực cửa Lộc An và khu vực cửa Lấp) dưới bất kỳ hình thức nào.
Biển xâm thực “nuốt” mất nhà cửa, đường sá tại bờ biển Xuân Hải
Hàng trăm hộ dân mất đất ...
Còn ở Hà Tĩnh, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà đang phải đối mặt với thực trạng biển xâm thực vào đất liền khiến nhà cửa, ruộng vườn của họ mất dần. Hàng chục ngôi nhà đã bị sập, tuyến đường bê tông dần “biến mất”, hệ thống cây chắn gió cũng bật gốc hoặc trôi ra biển... Theo tính toán của cơ quan chức năng thì từ năm 2006 đến nay (năm thành lập huyện Lộc Hà), biển đã lấn sâu vào đất liền của huyện Lộc Hà chừng hơn 100m. Các địa bàn bị biển xâm thực mạnh nhất là các xã Thạch Kim, Thạch Bằng và Thịnh Lộc.
Tại xã Thạch Kim, có năm cùng với sóng biển do bão tố gây ra, biển đã nuốt trọn 150 ngôi nhà, gây thiệt hại nhiều về tài sản, gây xáo trộn về đời sống của người dân. Sau khi nước rút một phần bờ biển của Thạch Kim hoang tàn, thậm chí biển còn kéo luôn cả một bãi rác. Theo ông Phạm Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Từ năm 2007 lại đây, cuộc sống của 700 hộ gia đình nằm tiếp giáp với biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biển xâm thực nhanh và bất thường. Minh chứng rõ nhất là 200ha cây phi lao cao gần 10m được địa phương trồng hàng chục năm để chắn sóng, chắn gió bây giờ nước biển dâng vào rồi cuốn mất ra biển...”.
4 năm trước khi mới thành lập huyện, bờ biển Xuân Hải được đánh giá là một trong những điểm tham quan du lịch lý tưởng nhất của không chỉ huyện này mà còn của cả tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng sau 4 năm thì bãi biển này trở nên hoang tàn, đổ nát đến khó tưởng tượng. Liệu tình trạng biển xâm thực ở Lộc Hà sẽ kéo dài đến bao lâu và cuộc sống của những người dân nơi đây sẽ ra sao? Đây cũng chính là nỗi lo lớn của người dân lẫn cơ quan chức năng huyện Lộc Hà.
Cảnh điêu tàn gần khu vực Khai Long sau khi bị biển tấn công - Ảnh: T.Trình
Hãy cứu Mũi Cà Mau!
Trước nguy cơ sẽ mất dần phần đất chót Mũi Cà Mau, người dân đất Mũi cũng như du khách lo lắng trong tương lai gần sẽ không còn "Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau". Các cơ quan hữu quan đất Mũi đang loay hoay tìm giải pháp chặn sự xâm thực từ biển. Theo ông Lê Phát Quới, Trưởng Phòng Tài nguyên - Tự nhiên, Viện Môi trường & Tài nguyên, Đại học Quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh, hiện tượng xói lở đất mạnh vùng đất mũi những năm gần đây có nhiều nguyên nhân phức tạp, đan xen nhau. Một trong những nguyên nhân tại chỗ bị phê phán nhiều nhất là phá rừng ngập mặn, khai thác đất bồi. Trước đây, khi rừng ngập mặn chưa bị tàn phá nhiều, quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm hơn, trên phạm vi hẹp hơn. Nay với việc hầu hết rừng ngập mặn chuyển sang đầm tôm quảng canh, vai trò của rừng ngập mặn trong việc điều tiết sự phân bổ nước triều ở vùng cửa sông và ven biển bị hạn chế dần. Do đó, nước mặn theo dòng triều cường được thể chẳng những lấn sâu vào đất liền mà còn bào mòn đất ven biển nhờ sự giúp sức của gió mùa. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: “Mức độ sạt lở Mũi Cà Mau nhanh, nghiêm trọng. Toàn bộ tuyến đê biển Đông Cà Mau (trong đó có Mũi Cà Mau) chưa có đê kè. Việc nghiên cứu nguyên nhân sạt lở phải mời Viện Nghiên cứu thủy lợi Miền Nam để đánh giá dòng chảy ven bờ, dòng hải lưu có thay đổi không”.
Tại cuộc họp mới đây về tìm giải pháp bảo vệ Mũi Cà Mau, Sở Văn hóa - Thể thao và & Du lịch Cà Mau được giao làm chủ đầu tư dự án bờ kè vành đai biển Đông Khu du lịch Mũi Cà Mau để trình giải pháp ngăn chặn sạt lở. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết: "Sẽ thay đổi thiết kế, xây dựng kè hai hàng cọc bê- tông, bỏ đá hộc ở giữa, bơm cát vào trong để tạo bãi bồi, trồng rừng. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Cà Mau sẽ đưa ra giải pháp khẩn cấp ngăn chặn sạt lở, bảo vệ Mũi Cà Mau". Bờ kè thân thiện môi trường, tạo bãi bồi dự kiến được xây dựng tại nơi cách xa bờ biển Khu du lịch Mũi Cà Mau vài trăm mét để chắn sóng, tiêu sóng từ xa. Ước tính, cần đầu tư từ 30-40 tỷ đồng cho công trình xây dựng tuyến kè này.
Thu Vân (Tổng hợp)