In bài viết

Bảo dưỡng tổng thể lần 3 Nhà máy lọc dầu Dung Quất

(Chinhphu.vn) - Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 3 trong 52 ngày. Nhiều sáng kiến được triển khai để rút ngắn thời gian bảo dưỡng từ 5-7 ngày, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.

18/05/2017 17:20
Nhiều sáng kiến được triển khai để rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: NMLD Dung Quất
Ngày 18/5, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức cuộc họp thông tin chính thức về việc thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 3 NMLD Dung Quất.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, theo kế hoạch, BSR sẽ bảo dưỡng tổng thể lần 3 NMLD Dung Quất trong vòng 52 ngày (từ ngày 5/6-23/7), trong đó có 38 ngày bảo dưỡng chính. Đợt bảo dưỡng lần này được chia làm 7 gói thầu với khoảng 6.000 đầu công việc. Gói thầu số 1 và 2 được coi là phần việc phức tạp nhất, liên quan đến các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy. Dự kiến có khoảng 3.000 nhân sự nhà thầu cùng tham gia đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3, cùng rất nhiều chủng loại máy móc thiết bị chuyên dụng.

Trong lần bảo dưỡng này, BSR đặt mục tiêu bảo đảm tối đa hóa việc tự chủ trong quá trình thực hiện, giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật bên ngoài để tiết giảm chi phí; phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 3 nhằm mục tiêu tăng hiệu suất hoạt động của nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất.

Với giá dầu 50 USD/thùng, quá trình bảo dưỡng rút ngắn 1 ngày sẽ giúp BSR tăng doanh thu 250 tỷ đồng và tăng nộp ngân sách 30 tỷ đồng. Chính vì vậy, BSR đang thực hiện mọi biện pháp, sáng kiến để rút ngắn thời gian bảo dưỡng từ 5-7 ngày như: Bố trí làm việc 3 ca tại một số khu vực bảo dưỡng và sử dụng máy móc hiện đại như các thiết bị cắt bằng tia nước, các thiết bị làm sạch đồng thời và liên tục...

Để đáp ứng mục tiêu rút ngắn thời gian bảo dưỡng và đưa nhà máy vận hành ổn định công suất 110%, Ban Nghiên cứu phát triển của BSR đã nâng công suất của từng phân xưởng và chạy thử. Cụ thể phân xưởng CDU chạy thử mức 114%; phân xưởng xử lý Naphtha tăng 125% công suất; phân xưởng RFCC tăng 105% công suất.

Đặc biệt, trong thời gian nhà máy dừng bảo dưỡng, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm và không bị xáo trộn vì kế hoạch dừng nhà máy đã được BSR thông báo cho các khách hàng từ đầu năm 2016. BSR cũng liên tục cập nhật thường xuyên tiến độ cấp hàng cho các khách hàng. Do vậy, các đầu mối đã được thông tin về kế hoạch và chủ động nguồn hàng để cung ứng cho thị trường trong nước. BSR cũng đã xây dựng phương án tăng sản lượng sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trước và trong TA3. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ khách hàng để duy trì nhận hàng đường bộ trong giai đoạn bảo dưỡng này.

Cung cấp thêm thông tin về lộ trình cổ phần hóa BSR theo chủ trương của Chính phủ trong năm 2017, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết, BSR đã hoàn thành kiểm toán nhà nước về giá trị doanh nghiệp và trình cấp thẩm quyền phê duyệt để công bố giá trị doanh nghiệp. BSR cũng đã hoàn thành việc lập phương án cổ phần hóa, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét trong tháng 5 này.

Đồng thời, xúc tiến các hoạt động liên quan đến tìm kiếm đối tác mua cổ phần, nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là xây dựng chiến lược truyền thông phục vụ cổ phần hóa. Theo lộ trình đã được phê duyệt, BSR thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, cổ phần hóa tạo ra sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản trị, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, nâng cao năng lực tài chính, tạo ra một kênh huy động mới thu xếp nguồn vốn cho các dự án đầu tư chiến lược tương lai của NMLD Dung Quất.

Đặc biệt, tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu và hóa dầu có lợi nhuận cao, tăng cường vai trò làm chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm, công việc và quyền lợi của người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Công ty, mở rộng thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.

Thu Cúc