Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Tại Tiết a Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 50 quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam đã hướng dẫn: Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
Như vậy, trong tháng công ty báo giảm chậm sẽ phải đóng BHYT cho người lao động đến hết tháng đó.
Tuy nhiên, sau khi công ty nộp đủ hồ sơ, chứng từ cho cơ quan BHXH để làm thủ tục báo giảm theo chế độ ốm đau dài ngày theo quy định của pháp luật BHXH cho người lao động thì số tiền BHYT đã thu trong tháng người lao động nghỉ ốm sẽ được hoàn trả theo hình thức bù trừ ở tháng tiếp theo.
Trong trường hợp người lao động báo giảm ở đúng tháng người lao động nghỉ ốm, công ty và người lao động chưa hoàn thiện hồ sơ để hưởng chế độ ốm đau dài ngày theo pháp luật BHXH cho người lao động, tháng sau người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì người lao động sẽ không đóng BHXH, BHYT của tháng sau đó theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH.
Trường hợp công ty và người lao động đã nộp đủ hồ sơ, chứng từ cho cơ quan BHXH để làm thủ tục nghỉ theo chế độ ốm đau dài ngày theo quy định của pháp luật BHXH vào tháng người lao động nghỉ ốm và trong tháng tiếp theo người lao động tiếp tục nghỉ theo chế độ ốm đau dài ngày từ 14 ngày trở lên thì người lao động không phải đóng BHYT và vẫn được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.