In bài viết

Bảo hiểm khoản vay là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng

(Chinhphu.vn) - Năm 2015, bà Vũ Thị Hải Bằng vay mua nhà ở xã hội theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng qua SeaBank chi nhánh Trần Hưng Đạo TP. Hồ Chí Minh. Khi vay bà chỉ tham gia bảo hiểm cháy nổ với giá 600.000 đồng.

16/08/2017 09:02

Thông báo duyệt cho bà Bằng vay là 468 triệu đồng, nhưng ngân hàng chỉ giải ngân 401 triệu đồng, số tiền còn lại là khoản mua bảo hiểm tín dụng bà vay.

Bà Bằng nhận thấy khoản tiền nộp chưa hợp lý nên có trao đổi với nhân viên ngân hàng về việc không nộp tiền bảo hiểm. Tháng vừa qua, bà Bằng không nộp tiền bảo hiểm, Ngân hàng cho biết, nếu bà Bằng không thanh toán khoản bảo hiểm thì sẽ tính lãi khoản và gói vay của SeaBank là phải bắt buộc mua gói bảo hiểm.

Bà Bằng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, hướng dẫn rõ vấn đề này.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN, Thông tư số 25/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ không quy định về việc mua bảo hiểm khoản vay. Việc mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay là thỏa thuận của tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm và khách hàng vay vốn.

Tình hình khoản vay và mua bảo hiểm của bà Vũ Thị Hải Bằng cụ thể như sau:

Ngày 27/10/2015, SeaBank đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng Vũ Thị Hải Bằng và chồng là Đỗ Xuân Trường theo Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng với số tiền duyệt cho vay tối đa 468.562.500 đồng. Tổng số tiền đã giải ngân là 401.625.000 đồng, số tiền còn lại khách hàng không nhận nợ và tự thu xếp thanh toán bằng vốn tự có.

Khi vay vốn tại SeaBank, khách hàng được tư vấn và đồng ý mua 2 loại bảo hiểm:

- Bảo hiểm rủi ro căn hộ chung cư (bảo hiểm cháy nổ tài sản trên đất dành cho tài sản bảo đảm): Trong trường hợp tài sản của khách hàng là căn hộ bị cháy, nổ thì sẽ được công ty bảo hiểm thanh toán toàn bộ dư nợ khoản vay.

- Bảo hiểm Bảo an tín dụng: Trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn, công ty bảo hiểm sẽ chi trả số tiền bảo hiểm cho SeaBank, con cái và gia đình không phải chịu khoản nợ phải trả.

Sau khi nhận được kiến nghị của bà Bằng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu SeaBank giải trình, báo cáo.

Theo báo cáo, Seabank đã tiến hành làm việc với khách hàng để giải thích, tư vấn về tính chất, mức phí, kỳ đóng phí và quyền lợi của Bảo hiểm rủi ro căn hộ chung cư và Bảo hiểm Bảo an tín dụng. Kết quả làm việc, khách hàng Vũ Thị Hải Bằng đã hiểu rõ 2 loại bảo hiểm nói trên và đồng ý tiếp tục mua bảo hiểm cháy nổ tài sản.

Về Bảo hiểm bảo an tín dụng, khách hàng Vũ Thị Hải Bằng đề nghị thông qua SeaBank liên hệ với công ty bảo hiểm VCLI để dừng tham gia bảo hiểm này. Ngân hàng SeaBank đã đồng ý với đề nghị này của khách hàng theo đúng tinh thần tự nguyện, thỏa thuận.

Chinhphu.vn