Tại Quảng Ninh, vào thời điểm 9 giờ sáng 3/8, bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền hai huyện Đầm Hà và Hải Hà, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 ở Cô Tô; gió cấp 7, giật cấp 10 ở Móng Cái; gió cấp 8-9, giật cấp 11 ở Hải Hà; gió cấp 6, giật cấp 8 ở Cửa Ông. Lượng mưa phổ biến dưới 50 mm, một số nơi dưới 100 mm.
![]() |
Bão số 5 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, sáng 3/8. |
Đến khoảng 13 giờ ngày 3/8, bão số 5 cơ bản đã đi qua tỉnh Quảng Ninh, tiến sâu vào đất liền. Hiện, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bình thường trở lại, chỉ một số ít địa phương có gió và mưa nhẹ. Ngay sau khi bão ngớt, các địa phương đã khẩn trương tiến hành kiểm tra hậu quả của bão, chủ động dọn dẹp các cây xanh ven đường bị đổ để đảm bảo giao thông thông suốt, hỗ trợ dân khắc phục nhà bị tốc mái.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra xác định thiệt hại do bão gây ra; giúp các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định đời sống; chủ động đối phó đề phòng mưa lớn do hoàn lưu sau bão gây ra.
Tại Hải Phòng, bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Cát Hải, gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10, trời mưa to vào lúc 10 giờ 30 ngày 3/8. Đến 11 giờ 20 phút, đảo Cát Hải mất điện và bị cô lập hoàn toàn. Đến thời điểm 14 giờ, gió vẫn rất mạnh, mưa to, kết hợp triều cường dâng cao khoảng trên 3m, dự báo có khả năng gây ngập lụt khu vực thị trấn Cát Hải.
Tại khu vực nội thành TP. Hải Phòng, những trận mưa rào nặng hạt trên diện rộng kèm theo những cơn gió mạnh cấp 7-8 làm nhiều tuyến phố bị ngập úng cục bộ. Một số tuyến đường nội thành khu vực phường Đổng Quốc Bình, An Đà (quận Ngô Quyền) và một loạt tuyến đường ở quận Kiến An... đã xảy ra ngập lụt.
![]() |
Khẩn trưởng xử lý sự cố cây gẫy đổ do bão số 5 tại nội thành TP. Hải Phòng. |
Do ảnh hưởng của bão số 5, từ 5 giờ ngày 3/8, tỉnh Thái Bình đã có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh cấp 8 tại các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lượng mưa trung bình hơn 100 mm.
Sáng 3/8, sau khi đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 5 tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lãnh đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường công tác kiểm soát không cho ngư dân ra biển trước và trong bão.
Tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo ngành nông nghiệp bố trí lực lượng vận hành các trạm bơm tiêu úng liên tục 24/24 giờ và tranh thủ mở các cống tiêu nước triệt để. Ngành chủ động kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu trên toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển, nhất là các công trình đang thi công để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn.
Tại Hà Nội, ngày 3/8, đã xảy ra mưa với lượng mưa đo được từ 29-54 mm khiến một số tuyến đường bị úng ngập. Từ 5 giờ ngày 3/8, Công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động nhân công và máy móc, phương tiện để khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường, mở các cửa phai hồ Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Thành Công... để điều hòa nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
Đề phòng khả năng trong chiều và đêm 3/8, tại tỉnh Ninh Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Ninh Bình chủ động vận hành 267 máy bơm/68 trạm, nhiều hơn 187 máy bơm so với ngày 2/8 để đẩy nhanh việc bơm thoát nước đệm nội đồng, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương không chủ quan, tăng cường lực lượng tuần tra canh gác, tiến hành rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê sông Hoàng Long ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn; đê biển ở huyện Kim Sơn, sẵn sàng vật tư, thiết bị tại chỗ để kịp thời ứng cứu khi có tình huống bất thường xảy ra.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định đã khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ như kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn; yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển; di dời người dân ra khỏi các khu nhà xuống cấp; chủ động tiêu rút nước đệm để đảm bảo phòng úng; sẵn sàng các phương án hộ đê; chuẩn bị khối lượng vật tư cần thiết cho công tác phòng chống lụt bão với 50.843 m3 đá các loại, 5.178 rọ thép, hơn 547.000 bao tải, 41.496 m2 vải lọc và gần 227.000 m2 vải chống tràn. Tỉnh cũng đã xử lý xong các sự cố hư hỏng trên tuyến đê biển sau cơn bão số 2 và 3.
Các tỉnh miền núi cần đề phòng lũ quét
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, sau khi đi vào khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/giờ), giật cấp 8-9.
![]() |
Hoàn lưu bão số 5 gây mưa lớn tại Sơn La. |
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 04/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 , đã có mưa lớn trên diện rộng ở địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc, gây ngập lụt cục bộ trên tuyến Quốc lộ 6 và một số tỉnh lộ. Một số đoạn đường vừa thông xe nay tiếp tục bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ.
Minh Khôi