In bài viết

Bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận

(Website Chính phủ) - Bão số 7 mạnh trên cấp 12 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận trong 24 giờ tới. Dự báo tâm bão có khả năng đi sát vào bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km. Từ chiều tối hôm nay (23/11), vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận có thể có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11.

23/11/2007 10:30
 

Ảnh chụp từ vệ tinh, Bóng to màu trắng sát bản đồ địa lý Việt Nam là hình ảnh cơn bão số 7 - Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Bão số 7 đang mạnh trên cấp 12

Hồi 7 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc, 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Đến 7 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc, 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 150km về phía Đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có nhiều khả năng đổi hướng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, cùng với việc phòng tránh ảnh hưởng của bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông, cần chủ động đề phòng khả năng tâm bão đi sát vào bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận.
Do ảnh hưởng của bão số 7, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) và vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.
Ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Từ Trung ương đến địa phương quyết liệt chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7

Kể từ khi cơn bão số 7 xuất hiện đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 Công điện số 1784/CĐ-TTg1791/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp đối phó với bão số 7, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ tiếp theo sau bão để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra, đặc biệt đảm bảo an toàn cho dân. Thủ tướng Chính phủ đã cử Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ vào các tỉnh miền Trung để trực tiếp chỉ đạo đối phó với bão số 7.

Ngay sau chủ trì cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương chỉ đạo các biện pháp đối phó với cơn bão số  7 sáng 22/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã lên đường vào Bình Thuận để trực tiếp chỉ đạo đối phó với bão. 20 giờ tối qua, tại thành phố Phan Thiết, Phó Thủ tướng đã họp với lãnh đạo, Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu bàn các biện pháp đối phó với bão số 7.

Nối tiếp 4 Công điện trong ngày 22/11, sáng 23/11, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) tiếp tục có Công điện số 138/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau, Ban chỉ huy PCLB các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão số 7.

Bộ Công Thương đã có công điện khẩn số 3246CĐ/BCT-KTAT yêu cầu các Tập đoàn; các Tổng công ty 90, 91; các đơn vị trực thuộc Bộ; các Sở Công nghiệp, Sở Thương mại các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão; triển khai các phương án bảo đảm an toàn các công trình, nhất là các hồ chứa nước thủy điện, hệ thống dàn khoan dầu khí; dự trữ vật tư, thiết bị để đối phó với các tình huống mất điện do bão gây ra và khôi phục ngay sau bão.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có công điện khẩn số 78/CĐ-BGTVT gửi Sở GTVT các tỉnh, các Cục thuộc Bộ chỉ đạo, đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão. Cục Hàng hải Việt Nam, Đài thông tin duyên hải cập nhật thông tin và thông báo, hướng dẫn tàu thuyền đang ở trên biển di chuyển tránh bão.

Bộ Thông tin và Truyền thông có công điện số 05/CĐ-BTTTT gửi Sở Bưu chính Viễn thông các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông yêu cầu tăng cường chế độ trực lãnh đạo và triển khai ngay phương án phòng, chống bão, bảo đảm thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão.

Bộ Y tế có công điện số 8727/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam đến Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị thuộc Bộ Y tế yêu cầu trực cấp cứu 24/24 giờ sẵn sàng cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do bão, lũ; có phương án đảm bảo an toàn các cơ sở y tế và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện và lực lượng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.

Quân chủng Hải quân duy trì 16 tàu thường trực sẵn sàng tham gia TKCN (Nha Trang: 2 chiếc; Cam Ranh: 3 chiếc; Vũng Tàu: 4 chiếc; quần đảo Trường Sa: 6 chiếc; DK1: 1 chiếc).

Hiện các tỉnh dự báo có bão ảnh hưởng đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bão số 7, có kế hoạch sơ tán dân tại các vùng ven biển, vùng thấp trũng; chuẩn bị lực lượng cứu hộ khi cần thiết; chằng chống nhà cửa, kho tàng,... Theo báo cáo của một số địa phương, số dân dự kiến di dời tránh bão tại Ninh Thuận là 4.500hộ dân/31.500 người (11 xã); Bình Thuận: 21.622hộ/102.606 người (38 xã); Thành phố Hồ Chí Minh: 1.082hộ/4.857 người; Trà Vinh: 1.795hộ/6.643 người và Bạc Liêu: 33.517 người.

Văn Hiến

(tổng hợp)