Khèn Mông là nhạc khí không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Mông |
Đây cũng là dịp để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, kinh tế-xã hội.
Ngày hội có sự tham gia của 14 tỉnh gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk.
Các hoạt động tại Ngày hội gồm nhiều nội dung văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; thi giã bánh giầy; triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu.
Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội của tỉnh Lai Châu như Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu năm 2021; không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP, nông sản địa phương của các huyện, thành phố, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc tỉnh Lai Châu; không gian giới thiệu ẩm thực; triển lãm ảnh về miền đất, con người Lai Châu.
Theo Ban tổ chức, thời gian tổ chức Ngày hội có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
MĐ