In bài viết

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/10, huyện Hạ Hòa phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học-thực tiễn "Đền mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - bảo tồn và phát huy giá trị".

12/10/2023 19:47
Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 1.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/TT

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, Phú Thọ có 967 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó, có trên 300 di tích đền, đình, miếu đã được Nhà nước xếp hạng. Một số di tích tiêu biểu, như: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy), Hùng Vương Tổ Miếu, Đền Tiên, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn (TP. Việt Trì)...

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, trong những năm qua, Phú Thọ đã tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích gắn với tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Hội thảo là hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng mang giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh công đức Quốc Mẫu Âu Cơ. Đồng thời là điểm nhấn quan trọng để tuyên truyền giá trị di tích, khẳng định vị thế của Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ nâng cấp di tích lên hạng Quốc gia đặc biệt, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa nói riêng và nhân dân Đất Tổ Hùng Vương, cũng như đồng bào nói chung.

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến tham luận của các  đại biểu, khách mời, các nhà nghiên cứu, học giả tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ... của Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, với 3 nhóm nội dung: Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - định hướng bảo tồn và quy hoạch; Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ - giá trị và biện pháp bảo vệ; Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và sự phát triển bền vững Hạ Hòa, Phú Thọ.

Các đại biểu đã đưa ra những giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả hơn công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá Đền Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trên tinh thần "biến di sản thành tài sản", đưa các giá trị di sản văn hoá thành lợi thế phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững...

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 2.

Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ- Ảnh: VGP/TT

Đưa Đền Mẫu Âu Cơ thành khu di tích quốc gia đặc biệt

Theo GS.TS. Trương Quốc Bình, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa hết sức đặc sắc của người Việt với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Được ra đời và tồn tại trên vùng đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân-Âu Cơ và bọc trăm trứng, được coi là biểu tượng về nguồn cội thiêng liêng, cao quý của dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ trở thành tài sản văn hóa vô giá của sức mạnh đoàn kết của cả quốc gia dân tộc Việt Nam.

Để phát huy hơn nữa những giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, ông Trương Quốc Bình mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ và Bộ VHTT&DL triển khai xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định xếp hạng khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời chấp thuận việc mở rộng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích để đáp ứng những nhu cầu phát huy các giá trị đặc biệt của khu di tích này.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Đền Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hoà có những giá trị lớn rất lớn lao. Đây là một di sản văn hoá có tính tổng thể, tầm quốc gia được sáng tạo từ xa xưa, có sử liệu ít nhất từ thế kỷ thứ XV với 3 loại hình di sản: Di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể và di sản tư liệu. Bên cạnh đó, Đền Mẫu Âu Cơ còn là di sản văn hoá được sáng tạo bởi cộng đồng và được tái sáng tạo liên tục qua nhiều đời, là hình ảnh, biểu tượng, bản sắc của chính cộng đồng bản địa. 

Hơn thế, ý nghĩa của di sản có sức mạnh to lớn góp phần xây dựng truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; có ý nghĩa đặc biệt đối với giáo dục thế hệ trẻ; là di sản vật chất và tinh thần, là nơi neo giữ những giá trị ngàn đời mà tổ tiên, cha ông và sau khi đã tạo lập, gìn giữ và trao lại cho đời sau.

Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát qua làm việc với các chuyên gia, với địa phương, TS. Nguyễn Thị Minh Lý cho rằng, văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ cần được bảo vệ một cách tổng thể ở tầm quốc gia đặc biệt bởi vì ở đó chứa đựng một tập quán có từ lâu đời, được phát triển trở thành tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ngày nay. Đền Mẫu ở Hạ Hoà là nơi khởi nguồn và lan toả tín ngưỡng này. Việc bảo vệ di tích, di sản mang lại những lợi ích, ý nghĩa sâu sắc đối với cộng đồng địa phương và với quốc gia, dân tộc.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBDN huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa đã đưa ra kế hoạch, thực hiện các hạng mục công trình bảo tồn, tôn tạo, đầu tư tại khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, như: Quy hoạch mở rộng khuôn viên, tái hiện lại gò cây thị, tu bổ tôn tạo nhà Tả mạc; lắp khám thờ tượng Mẫu… Đồng thời từng bước sưu tầm các cổ vật, hiện vật, sản phẩm đặc trưng để bổ sung vào nhà trưng bày; lập dự án thiết kế, cải tạo nội thất, bố trí cách bài trí. 

Giải pháp hiệu quả nhất trong công tác bảo tồn là phát huy giá trị của di tích gắn với thu hút, phát triển du lịch. Vì vậy, huyện Hạ Hòa sẽ chú trọng việc duy trì, tổ chức lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, tạo dựng hình ảnh mẫu mực về quê Mẫu; xây dựng, hình thành tuyến du lịch tâm linh; du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái.

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đồng ý nhất trí cao với huyện Hạ Hòa về việc nâng cấp xếp hạng Đền là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích cần phù hợp với quy hoạch chung của địa phương để tạo lập môi trường cảnh quan di tích lịch sử văn hóa hài hòa, hấp dẫn. Trong công tác quy hoạch cần tạo lập biển chỉ dẫn với nội dung súc tích, ngắn gọn nhưng đầy đủ về di tích, coi đó là việc tuyên truyền quan trọng để giúp du khách tìm hiểu về Đền Mẫu Âu Cơ khi đến tham quan. Đồng thời nghiên cứu xây dựng nhà trưng bày ở khu di tích, việc xây dựng phải tuân thủ về quy định bảo tồn khu di tích, phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh. Trong khu trưng bày cần áp dụng khoa học kỹ thuật (như trong việc nghe, nhìn để tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách…).

Cần tăng cường công tác truyền thông quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; các bài thuyết minh di tích phải phù hợp với từng đối tượng du khách; bên cạnh đó cần xây dựng các tour tham quan di tích Đền Mẫu Âu Cơ kết hợp với các điểm di tích, văn hóa tâm linh khác trên địa bàn.

Thiện Tâm