Nhân "Ngày Đất ngập nước thế giới" năm 2012, các quốc gia thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi bảo tồn và phát triển bền vững các khu Ramsar, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái. Song, muốn bảo tồn và phát triển bền vững các khu sinh thái quý hiếm này, điều quan trọng nhất là phải tạo được sinh kế cho người dân địa phương.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phê chuẩn Công ước Ramsar vào năm 1989. Tính tới thời điểm này, Việt Nam có 3 khu Ramsar, gồm khu Ramsar Xuân Thủy (Nam Định), khu Ramsar Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn).
Việc tập trung vào các mô hình phát triển du lịch bền vững ở trong và xung quanh các vùng đất ngập nước nhằm giúp bảo vệ môi trường và giữ gìn sự đa dạng sinh học, đồng thời cung cấp các lợi ích KT-XH cho các bên liên quan một cách công bằng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh, liên tục của ngành du lịch sẽ gây áp lực lớn đến các khu vực và cảnh quan tự nhiên tại những nơi mà du khách muốn đến thăm. Con người bị hấp dẫn bởi các hệ sinh thái nước và điều này đẩy các vùng đất ngập nước ven biển vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Theo quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước sẽ có giá trị nhiều hơn nếu giữ chúng ở trạng thái tự nhiên hoặc làm biến đổi không đáng kể. Mặt khác, hệ sinh thái đất ngập nước rất nhạy cảm, dễ bị thay đổi và có khả năng đảo ngược nếu quản lý không thích hợp. Từ quan điểm này, để bảo tồn có hiệu quả, đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên kiến nghị các ngành chức năng cần có một khung chính sách quản lý bền vững, chia sẻ lợi ích nhằm vừa bảo tồn các chức năng và giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước hiện có. Đặc biệt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn, phát triển các vùng đất ngập nước, trên cơ sở đó khuyến khích đồng bào tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn và chính họ sẽ là người quản lý tài nguyên của mình.
T. Lương