In bài viết

Bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở

(Chinh phu) - Việc nghiên cứu, xác lập đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại cơ sở là rất cần thiết.

14/03/2022 15:50
Bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở - Ảnh 1.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo

Ngày 14/3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo tại hội trường công an 63 tỉnh, thành phố có đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành phố; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương; đại diện một số sở, ngành liên quan… Tổng số đại biểu tham dự hội nghị cả Trung ương và địa phương lên đến hơn 6.100 đại biểu.

Trung tướng Lê Quốc Hùng nêu rõ, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất quan trọng, góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Quan điểm xây dựng lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, thực tiễn bảo vệ an ninh đã khẳng định những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một số vùng, liên vùng và toàn quốc. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm… Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.

Đã có 54 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo tập trung phân tích, làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dự án Luật đối với đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng; xây dựng luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động tốt hơn.

Đồng thời, các tham luận từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã có nhiều phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, nhiều bài học kinh nghiệm được đưa ra để có thêm được những vấn đề trọng tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thời gian tới.

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở

Tại hội thảo, khẳng định sự cần thiết phải có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Luật góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân, ổn định và phát triển đời sống người dân, ổn định và phát triển cộng đồng vừa góp phần xây dựng công an nhân dân từ cơ sở, đến toàn quốc, tiến lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh đến sự cần thiết, cấp thiết và bức xúc của việc xây dựng, ban hành, thực hiện Luật, cần tiếp tục làm rõ nội dung các mục, các điều khoản trong cơ cấu văn bản luật, các điều kiện cần và đủ để xây dựng và thực hiện Luật trong thực tế.

Việc quán triệt, thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ đối với công an, nhất là tư tưởng “công an là bạn dân”, “phục vụ và bảo vệ dân”, “dựa vào lực lượng của dân, tổ chức và đoàn kết được dân thì mọi việc sẽ thành công”. Do đó, “phải hiểu dân, gần dân, kính trọng, lễ phép với dân”.

Đồng thời cần thấm nhuần để làm rõ vai trò, sự tham gia của dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong xây dựng Luật, nhất là khi Luật ban hành, có hiệu lực. Phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong lực lượng công an nhân dân, trong xã hội về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm thường xuyên và có hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong ngành, nhất là đối với đội ngũ công an chuyên trách, bán chuyên trách ở xã. Tận dụng các phương tiện báo chí truyền thông trong việc quảng bá, tuyên truyên về luật và thi hành Luật… 

Bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở - Ảnh 2.

Hơn 6.100 đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và các địa phương

Từ điểm cầu Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên hết sức ủng hộ việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. 

"Sự ra đời của Luật là vì sự đảm bảo an ninh của các địa phương để phát triển kinh tế-xã hội. Việc đầu tư về mặt ngân sách là tương xứng, hiệu quả. Một đồng bỏ ra nhưng hiệu quả về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thì còn hơn thế nhiều. Lực lượng này sẽ cùng với dân quân tự vệ gánh vác thêm các nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự cho bà con ở địa bàn",  Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận định.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cũng khẳng định cần thiết phải ban hành một đạo luật để điều chỉnh, tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả giảm số lượng, tăng tính tự quản của cộng đồng dân cư.

"Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức như vậy không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở", Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh.

Từ điểm cầu Quảng Trị, ông Lê Lập Vũ Quỳnh, Chủ tịch UBND Phường 1, thị xã Quảng Trị đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cấp, các ngành sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và quy định thống nhất với các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng nhằm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đồng bộ. Đây là những lực lượng quần chúng nòng cốt ở cơ sở, có vị trí, nhiệm vụ tương đồng trong hỗ trợ lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

                                                                                                                                         Nhật Nam