Luật pháp về rừng và đa dạng sinh học: Thấp thoáng bóng dáng BĐKH
Theo đánh giá các nhà khoa học Nguyễn Thị Hiền Thuận và Nguyễn Tú Anh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường), hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học rừng, bảo vệ và phát triển rừng của nước ta đãtrực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra các quy định liên quan về thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH. Tuy nhiên, Bà Hiền Thuận, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) cho biết, các quy định này chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và chưa có khả năng áp dụng trong thực tế trên các phương tiện thích ứng với tác động của biến đối khí hậu.
Cụ thể, Luật Đa dạng sinh học 2009 đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến thích ứng BĐKH quy định trong việc quản lý bảo tồn, tham gia của cộng đồng trong lập quy hoạch bảo tồn và phục hồi rừng. Song Luật và Nghị định hướng dẫn chưa đề cập đến mối quan tâm của Chính phủ đối với các tác động của BĐKH đối với đa dạng sinh học cũng như bảo đảm thựchiện công tác thích ứng trong lĩnh vực này.
Một bộ luật quan trọng - Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng không có quy định cụ thể nào về BĐKH, đặc biệt không nêu được tầm quan trọng của rừng trong giảm thiểu khí nhà kính, giảm thiểu tác động của BĐKH.
Cần có Nghị định về quản lý hành lang đa dạng sinh học
Đó là một trong 5 kiến nghị của nhóm nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học rừng trong BĐKH.
Theo bà Hiền Thuận, Nghị định này sẽ quy định cụ thể về cơ chế thiết lập, quản lý đối với hành lang đa dạng sinh học, đặc biệt là hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới. Cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong nước cũng như đối với các tỉnh của nước ngoài có hành lang đa dạng sinh học đi qua cũng sẽ được thiết lập, quy định rõ ràng trong Nghị định này.
Các nhà khoa học còn đề nghị, cần lồng ghép các quy định về thích ứng với biến đổikhí hậu trong lập, thẩm định, thông qua, thực hiện các chính sách, quy hoạch, dự án đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư dự án, đưa ra các sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh mới. Điều này cũng sẽ tăng cường việc quản lý đa dạng sinh học rừng dựa vào cộng đồng địa phương.
"Quan trọng hơn cả là phải đánh giá được tác động của BĐKH trong quá trình bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng, làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống khu bảo tồn và lập kế hoạch bảo vệ rừng", bà Hiền Thuận nhấn mạnh.
Nhật Tân