In bài viết

Bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp sửa đổi các quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên; bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

03/12/2021 17:44

Bảo đảm công bằng; không có sự chênh lệch quá lớn về chức trách, nhiệm vụ giữa các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhất là về tiêu chuẩn đạo đức

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 324/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, liên quan tới việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập cả về đầu mối trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết 19; biên chế giáo viên, chế độ phụ cấp đối với giáo viên vùng cao; chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định theo thẩm quyền của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương, rà soát để sửa đổi các Thông tư số: 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong các trường tiểu học công lập, các trường trung học cơ sở công lập, các trường trung học phổ thông công lập cho phù hợp với các quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công bằng; không có sự chênh lệch quá lớn về chức trách, nhiệm vụ giữa các hạng chức danh nghề nghiệp, nhất là về tiêu chuẩn đạo đức.

Về biên chế đội ngũ giáo viên: Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát biên chế đội ngũ giáo viên, xây dựng và đề xuất lộ trình sắp xếp, tinh giản biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên”. Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Về giải quyết một số vấn đề còn tồn tại về giáo viên hợp đồng: Giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp đối với những trường hợp chưa chấm dứt hợp đồng lao động, đã có thời gian giảng dạy, cống hiến, trong đó lưu ý giải quyết số giáo viên này theo lộ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học thuộc thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8589/VPCP-KGVX ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Khánh Linh