Đánh giá thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam năm 2023, ông Trương An Dương nhận định BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt như các năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu sản xuất trên toàn cầu đang có sự sụt giảm nhất định, chính vì vậy nên tốc độ chuyển dịch chuỗi giá trị qua Việt Nam hay các nước khác sẽ chậm lại.
Đặc biệt, hiện các nước trong khối Đông Nam Á đang có sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực công nghiệp mới như ô tô điện. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines có rất nhiều chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư mảng này. Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam không nhanh chóng có chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng xanh cũng như sản xuất ô tô điện bắt kịp thế giới, thì trong tương lai có thể thành khó khăn trong phát triển công nghiệp và bất động sản nói chung.
Bên cạnh đó, chi phí đất đai tại Việt Nam tiếp tục gia tăng, đặc biệt là giá đất BĐS công nghiệp gia tăng trong cả quãng thời gian vừa qua. Điều này cũng sẽ tạo áp lực chi phí sản xuất cho các nhà đầu tư trên thế giới khi chuyển về Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Thu nhập, mức lương lao động tại Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trong khi nguồn lực lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo, không được cải thiện nhanh chóng, tạo ra sự khó khăn cho nhà đầu tư khi vào Việt Nam sản xuất.
Đánh giá về xu hướng thay đổi nhu cầu của khách thuê trong năm qua, ông Trương An Dương cho rằng: 70-90% chuỗi dịch chuyển sản xuất về Việt Nam xuất phát từ các nước châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bởi Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại với các nước trên thế giới, nên trở thành điểm đến hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu, Mỹ, khiến thị trường Việt Nam có những chuyển biến tích cực.
Nhu cầu sẽ đa dạng hơn các năm trước, có một số lĩnh vực phát sinh trong thời gian tới, đặc biệt là ô tô điện, sản xuất năng lượng và sản xuất chip và thiết bị điện tử sẽ gia tăng nhu cầu nhiều hơn khi lắp đặt nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đáp ứng được các nhu cầu này đến mức như thế nào? Về mặt lực lượng lao động, giá thuê hạ tầng ở các khu Công nghiệp có hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực nữa.
Để BĐS công nghiệp Việt Nam tăng được sức hút, ông Trương An Dương nhìn nhận: Các nhà đầu tư tham gia sản xuất tại thị trường Việt Nam sẽ yêu cầu nhiều hơn về các dịch vụ, do đó cần có chính sách hỗ trợ họ trong quá trình xây dựng nhà máy cũng như đi vào hoạt động, nhất là các vấn đề pháp lý (thủ tục thành lập công ty, thẩm duyệt PCCC, xây dựng, tuyển dụng, thuế quan…). Các công ty chế xuất cũng rất cần sự hỗ trợ trong quy trình hải quan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng: Điện, nước, kết nối giao thông để giúp giảm thiểu chi phí hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.
Dương Trang