Giá dầu xuống mức thấp nhất 6 tháng
Trong phiên giao dịch ngày 16/5 tại thị trường châu Á, giá dầu ngọt nhẹ tiếp tục lùi sâu xuống mức thấp nhất vòng 6 tháng qua do những lo ngại không dứt của giới đầu tư về tình hình bất ổn chính trị tại Eurozone và sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Mỹ.
Kết thúc phiên, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2012 giảm 1,33 USD, xuống 92,65 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 1,15 USD, xuống còn 111,09 USD/thùng.
Theo các chuyên gia Ngân hàng Barclays Bank, những bất ổn chính trị tại Eurozone tiếp tục là nhân tố chính khiến thị trường hàng hóa toàn cầu chao đảo trong ngày 16/5, đặc biệt là thông tin Hy Lạp không thành lập được chính phủ, điều có thể đẩy nước này tới nguy cơ bị loại khỏi Eurozone.
Ngoài ra, thị trường “vàng đen” còn chịu áp lực đi xuống bởi báo cáo về dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng tới 6,6 triệu thùng, vượt xa dự báo của giới phân tích (tăng 1,5 triệu thùng), báo hiệu nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nền kinh tế số một thế giới đang có xu hướng suy giảm.
Giá vàng xuống sâu hơn
Vàng tiếp tục “chìm sâu” trong phiên 16/5 và đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2011.
Theo Giám đốc Công ty Lee Cheong Gold Dealers tại Hongkong, ông Ronald Leung, mọi người đều đang đổ xô mua vào đồng USD và một khi đồng USD lên giá (chiều 16/5 tại châu Á, USD đã leo lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng Euro), vàng vốn được định giá bằng USD, đương nhiên chịu áp lực đi xuống.
Đóng cửa phiên tại Sàn giao dịch kim loại New Yorkc (COMEX), giá vàng giao tháng 6/2012 giảm tới 18,6 USD xuống còn 1.542,5 USD/ounce. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, giá vàng ở COMEX đã giảm gần 7%.
Chứng khoán tiếp tục “rơi tự do”
Những thông tin về diễn biến chính trị tại Hy Lạp chính là nhân tố khiến đồng Euro tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua và tiếp tục đẩy các thị trường chứng khoán châu Á “lao dốc” trong phiên giao dịch 16/5.
Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 99,57 điểm, tương đương 1,12%, đóng cửa ở mức 8.801,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng giảm sâu 100,8 điểm (2,36%), còn 4.165,5 điểm; còn tại Seoul chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 58,43 điểm (0,77%), xuống 1.840,53 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hongkong cũng đua nhau đi xuống. Đóng cửa phiên 16/5, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt giảm 28,65 điểm (1,21%) và 634,48 điểm (3,19%) xuống còn 2.346,19 điểm và 19.259,83 điểm.
Nguyễn Chiến